CHLB ĐỨC – Các nhà khoa học từ Đại học Logistics Kuehne ở Hamburg, CHLB Đức đã phát triển một mô hình tối ưu hóa, sử dụng dữ liệu thực để chỉ ra lợi ích mà in 3D mang lại trong nhiều trường hợp cụ thể.
Từ lâu, công nghệ in 3D đã đóng vai trò hết sức quan trọng cho ngành công nghiệp, chẳng hạn như sản xuất các bộ phận cho máy bay, các thiết bị y tế hoặc công cụ sản xuất. Ngày nay, công nghệ này cũng đã được áp dụng để sản xuất phụ tùng. Để xem xét liệu in 3D có thực sự phù hợp để sản xuất phụ tùng hay không, các chuyên gia đã phát triển mô hình tối ưu hóa để thử nghiệm cho bộ dữ liệu thực của một nhà máy sản xuất ô tô, bao gồm khoảng 50.000 phụ tùng trong chín năm. Kết quả cho thấy, in 3D là một sự thay thế hiệu quả về mặt kinh tế cho nhiều phụ tùng, đặc biệt là những loại phụ tùng thay thế có nhu cầu thị trường thấp.
Cụ thể, đối với những loại phụ tùng thay thế của các phương tiện cũ, nhà sản xuất khó có thể sản xuất hàng loạt vì nhu cầu của khách hàng khá ít. Vì vậy, trong trường hợp này in 3D là một giải pháp lý tưởng thay thế cho phương pháp truyền thống. Thay vì phải sản xuất theo một số lượng nhất định và phải lưu trữ số phụ tùng dư, các công ty có thể sản xuất số lượng tùy theo nhu cầu của họ. Từ đó, có thể tiết kiệm chi phí lưu trữ và cải thiện dịch vụ khách hàng vì các sản phẩm thường được sản xuất nhanh hơn. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng khuyên rằng những công ty sản xuất nên đảm bảo một lượng hàng có sẵn trong kho để tránh tình trạng tắc nghẽn khi giao hàng.
Vào tháng 12, năm 2019, công ty Daimler Buses thông báo rằng họ sẽ cung cấp phụ tùng được sản xuất từ máy in 3D của họ từ cuối năm 2020, nhằm tạo ra một dây chuyền sản xuất linh hoạt, tiết kiệm chi phí, thân thiện với môi trường cũng như đáp ứng được các đơn đặt hàng khẩn cấp, đặc biệt trong trường hợp khách hàng yêu cầu các loại bộ phận và phụ tùng hiếm.
Để xem các tin bài khác về “In 3D”, hãy nhấn vào đây.
(Nguồn: David Schahinian/ Hannover Messe)