Sản xuất quang năng: Liệu Châu Âu có thể theo kịp các quốc gia khác trên thế giới?

Tháng Mười 03 14:11 2023

Các tổ chức đã được thành lập, các quỹ tài trợ đã được bổ sung và các đơn hàng sản xuất tấm quang điện mặt trời PV(1) đang phát triển mạnh mẽ tại các nước khu vực Châu Âu. Ủy ban Châu Âu (European Commission) đưa ra dự đoán, Liên minh Công nghiệp Điện mặt trời Châu Âu – ESIA (European Solar PV Industry Alliance) với mục tiêu năng lực sản xuất hàng năm là 30 gigawatt (GW), họ sẽ bị các quốc gia ngoài khu vực vượt qua vào năm 2025, không có gì đảm bảo rằng Châu Âu có thể bắt kịp sự cạnh tranh quốc tế và vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất tấm quang điện.
(1) PV (Photovoltaics): Điện mặt trời hay quang điện hay quang năng là lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật biến đổi ánh sáng mặt trời trực tiếp thành điện năng nhờ pin mặt trời.

Năng lực sản xuất quang điện hiện tại của Châu Âu
Hiện tại, có 157 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất quang điện trong Khu vực Kinh tế Châu Âu – EEA (European Economic Area). Công suất sản xuất điện hiện tại ở từng khu vực như sau: mô-đun năng lượng mặt trời 9,4 gigawatt (GW), pin mặt trời 1,4 GW, bộ biến tần 69,9 GW, phôi và tấm bán dẫn 1,7 GW và polysilicon(2) 23,2 GW. Các số liệu này được Hiệp hội năng lượng mặt trời Châu Âu (Solar Power Europe) thống kê trên bản đồ tương tác (interactive map)(3).
(2) Polysilicon: hay silicon đa tinh thể, còn được gọi là poly-Si hay mc-Si, là một dạng silicon đa tinh thể có độ tinh khiết cao, được sử dụng làm nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp điện tử và tấm quang điện mặt trời.
(3) Bản đồ tương tác (Interactive Map) là bản đồ dùng hệ thống GIS – Geographic Information Systems (Hệ thống thông tin địa lý toàn cầu). Thế nên những dữ liệu trên bản đồ tương tác được cập nhật theo thời gian thực một cách chính xác.

Các dự án nhà máy sản xuất điện mặt trời ở Châu Âu với mục tiêu sản xuất hàng năm 30 gigawatt
Theo Liên minh Công nghiệp Điện mặt trời Châu Âu – ESIA, hiện tại có thêm 20 dự án đang được phát triển trong Khu vực Kinh tế Châu Âu – EEA. Tại xã Fos-sur-Mer (Pháp), một công ty có tên Carbon đang xây dựng siêu nhà máy đầu tiên ở Châu Âu phục vụ cho mọi bước trong quy trình sản xuất quang năng, từ sản xuất polysilicon đến sản xuất mô-đun. Kế hoạch đạt công suất hàng năm là 5 gigawatt (GW) cho pin mặt trời và 3,5 GW cho mô-đun năng lượng mặt trời bắt đầu từ năm 2026.

Pháp cũng được chọn làm địa điểm xây dựng siêu nhà máy đầu tiên ở Châu Âu chuyên sản xuất mô-đun. Công ty Holosolis (thuộc tỉnh Moselle, Pháp) đưa ra mục tiêu công suất sản xuất tấm quang năng hàng năm là 5 GW vào năm 2025. Và công ty Meyer Burger (Thụy Sĩ) có kế hoạch mở rộng sản xuất tại hai địa điểm thuộc Châu Âu, là thành phố Freiberg ở Đức và Tây Ban Nha. Mục đích là tăng thêm 3,5 GW công suất sản xuất mô-đun. Nhà máy Norsun sản xuất phôi và tấm bán dẫn duy nhất ở Châu Âu, đang mở rộng công suất thêm 3 GW ở Na Uy. Hai doanh nghiệp này đang nhận tài trợ từ Quỹ Đổi mới Châu Âu (EU Innovation Fund) – 54 triệu Euro cho nhà máy Norsun và 200 triệu Euro cho nhà máy Meyer Burger.

Các điều kiện đầu tư cho sản xuất quang điện ở Châu Âu đã được cải thiện do nguồn vốn được phân bổ trong ngân sách EU và quốc gia. Điều này cũng đang thu hút sự chú ý của các công ty toàn cầu. Họ sẽ xây dựng các nhà máy sản xuất ở Châu Âu, vì nơi đây là một trong những thị trường bán hàng lớn nhất của họ. Ví dụ, nhà máy sản xuất tế bào quang điện LONGi (tại Trung Quốc). Với 20% doanh số bán hàng đến từ các khách hàng Châu Âu, công ty này thông báo rằng họ sẽ mở một nhà máy sản xuất tế bào quang điện(4) và mô-đun quang điện tại CHLB Đức.
(4) Tế bào quang điện (Solar panel): Pin mặt trời, tấm năng lượng mặt trời hay tấm quang điện bao gồm nhiều tế bào quang điện – là phần tử bán dẫn chứa trên bề mặt một số lượng lớn các cảm biến ánh sáng là điốt quang, thực hiện biến đổi năng lượng ánh sáng thành năng lượng điện.

Các doanh nghiệp sản xuất quang điện đến từ Trung Quốc
Mặc dù tình hình thị trường Châu Âu có điều kiện đầu tư tích cực, nhưng vẫn còn một số thách thức cần vượt qua. Trước mắt, thách thức lớn nhất trong số đó chính là sự cạnh tranh giữa các sản phẩm Châu Âu và công nghệ năng lượng mặt trời đến từ Trung Quốc. Theo một nghiên cứu của công ty tư vấn năng lượng Rystad, các nhà sản xuất Trung Quốc được hưởng lợi từ quy mô sản xuất, điều này cho phép họ bán sản phẩm với giá thấp hơn tới 1/3. Ví dụ: Tháng 7.2023, nhà sản xuất quang điện GCL-SI (Trung Quốc) thông báo rằng họ đã đưa vào vận hành một nhà máy sản xuất pin mặt trời công suất 20 GW tại huyện Vu Hồ (thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc).

Trong sáu tháng đầu năm 2023, các mô-đun năng lượng mặt trời với tổng công suất 85 gigawatt đã được nhập khẩu vào Châu Âu từ Trung Quốc. Áp lực về giá đối với các doanh nghiệp Châu Âu là rất lớn. Với tình hình đó, Châu Âu cần có lời kêu gọi khẩn cấp nhằm bảo vệ thị trường địa phương là hoàn toàn hợp lý.

Đạo luật giảm lạm phát đã khuyến khích các doanh nghiệp mới đầu tư vào Mỹ
Đạo luật giảm lạm phát – IRA (Inflation Reduction Act) được ban hành tại Mỹ và phân khúc sản xuất quang điện đang phát triển mạnh mẽ, đã gây cản trở quá trình hồi sinh hoạt động sản xuất của Châu Âu. Việc hỗ trợ vốn cố định – CapEx (Capital Expenditure) (5) và vốn lưu động – OpEx (Operating Expenditure) (6) cho các công nghệ sạch theo đạo luật giảm lạm phát – IRA, đang thu hút nhiều doanh nghiệp mới tại Mỹ. Các siêu nhà máy mới lần lượt được đưa vào hoạt động tại quốc gia này. Tập đoàn công nghệ năng lượng xanh LONGi dẫn đầu với các nhà máy sản xuất mô-đun lớn, hợp tác cùng công ty sản xuất điện quốc gia Invenergy (tại Mỹ) phát triển dự án, với nhà máy điện tại tiểu bang Ohio (Mỹ) có công suất 5 gigawatt.
(5) Capital Expenditure: Chi phí vốn hay chi phí tài sản cố định mà doanh nghiệp sử dụng để mua hàng hoá dịch vụ hay đầu tư vào tài sản cố định (máy móc, trang thiết bị,…) của doanh nghiệp.
(6) Operating Expenditure: Chi phí hoạt động phát sinh trong các hoạt động kinh doanh thông thường.

Giá điện, quan liêu và thiếu nhân viên
Có những yếu tố khác làm tăng thêm sự cạnh tranh từ các quốc gia phía Đông và phía Tây Châu Âu, khiến cho việc phát triển sản xuất quang điện tại Châu Âu bị chậm lại. Giá điện công nghiệp cao là một vấn đề khó khăn ở nhiều quốc gia, khiến cho sản phẩm sản xuất tại địa phương đắt hơn so với sản phẩm được sản xuất ở nơi khác. Khi nói đến các mô-đun năng lượng mặt trời, việc sản xuất polysilicon, phôi và tấm bán dẫn cực kỳ tiêu tốn năng lượng. Ví dụ: Các doanh nghiệp ở Đức hiện đang trả khoảng 0,26 Euro cho mỗi kilowatt giờ (kWh). Tại quốc gia năng lượng mặt trời Tây Ban Nha, giá cao tới 0,28 Euro/kWh. Mức giá 0,15 Euro/kWh, tình hình tại Pháp tốt hơn. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn hẳn so với giá điện công nghiệp ở Mỹ, trung bình chỉ khoảng 0,07 Euro/kWh (năm 2023). Quan liêu, thiếu nhân viên và thiếu quy định là những vấn đề lớn khác đang phải đối mặt ở Đức và các nước khác ở Châu Âu.

Sản xuất quang điện tại các nước Châu Âu vì lợi ích an ninh quốc gia
Mục tiêu của Ủy ban Châu Âu là ít nhất 40% công nghệ năng lượng mặt trời mới sẽ được sản xuất ở Châu Âu vào năm 2030. Và một số hành động đã được thực hiện để đạt mục tiêu đó. Đạo luật Công nghiệp Net-Zero quy định việc mở rộng năng lực sản xuất quang điện ở các quốc gia – và xác định nguồn tài trợ nào có thể được phân bổ cho các quốc gia thực hiện các dự án thuộc loại này (15–55% vốn, 20–60% cho ưu đãi thuế, các khoản vay, hoặc bảo lãnh tùy theo quy mô của doanh nghiệp). Ủy ban Châu Âu đang bổ sung thêm 20 triệu Euro cho kế hoạch RePowerEU (7) từ chương trình Phục hồi Châu Âu (European Recovery and Resilience Facility).
(7) RePowerEU: Kế hoạch giảm nhanh sự phụ thuộc của Châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch của Nga và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Ông Robert Habeck, bộ trưởng kinh tế CHLB Đức, kêu gọi tài trợ cho các dự án ngọn hải đăng quang điện. Nguồn vốn này được phân bổ từ Quỹ chuyển đổi năng lượng và bảo vệ khí hậu – KTF (Climate and Transformation Fund) (8) của chính phủ CHLB Đức. Nhưng các chuyên gia trong ngành đồng ý rằng, hỗ trợ tài chính cho vốn cố định – CapEx và vốn lưu động – OpEx là chưa đủ. Ông Carsten Körnig, giám đốc điều hành của Hiệp hội Năng lượng mặt trời CHLB Đức – BSW-Solar (German Solar Association), kêu gọi: “Hỗ trợ có mục tiêu bằng các giải thưởng và đấu giá khả năng phục hồi trong tương lai, Châu Âu đạt được một tỷ lệ nhất định các hệ thống sản xuất quang điện. Chúng tôi cũng khuyên các nhà sản xuất năng lượng mặt trời nên củng cố cơ sở vật chất và cải thiện khả năng tiếp cận nguồn vốn, để các nhà đầu tư tiềm năng tham gia cổ đông trong một thời gian nhất định.”
(8) KTF (Climate and Transformation Fund): Quỹ chuyển đổi năng lượng và bảo vệ khí hậu nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của CHLB Đức sang nền kinh tế trung hòa carbon. Quỹ tài trợ cho các sáng kiến trong mọi lĩnh vực, từ các biện pháp bảo vệ khí hậu và mở rộng quy mô ngành công nghiệp hydro đến đầu tư vào sản xuất chất bán dẫn và mở rộng cơ sở hạ tầng đường sắt.

Sản xuất tại địa phương giúp tăng tính bền vững
Sản xuất quang điện tại Châu Âu là điều đáng mong đợi, vì nó sẽ xây dựng khả năng phục hồi và tạo ra sự độc lập trong toàn bộ chuỗi giá trị quang điện. Nhưng còn nhiều điều hơn thế nữa. Các sản phẩm sản xuất trong nước có lượng khí thải carbon nhỏ hơn nhiều so với các sản phẩm nhập khẩu. Điều quan trọng nữa là hoạt động sản xuất phải được cung cấp năng lượng xanh sạch, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và xã hội đến từng chi tiết và tránh phát thải do lưu thông gây ra.

Intersolar Europe, hội chợ hàng đầu thế giới về ngành năng lượng mặt trời, sẽ tổ chức khu vực cho các công nghệ sản xuất quang điện trưng bày vào năm 2024 (tại sảnh A2). Chủ đề The smarter E Europe về công nghệ đổi mới cung cấp năng lượng thông minh và bền vững, sẽ diễn ra tại hội chợ München từ ngày 19 đến ngày 21/6/2024.

Để xem các tin bài khác về “Năng lượng mặt trời”, hãy nhấn vào đây.

 

(Nguồn: Intersolar)

Bình luận hay chia sẻ thông tin