Khâu thẩm định công nghệ trước khi cấp phép đầu tư dự án sản xuất công nghiệp cần được xem như một quy trình bắt buộc và đưa vào luật để tránh lặp lại bài học kêu gọi đầu tư bằng mọi giá mà hy sinh cả môi trường.
Nước thải gây ô nhiễm (ảnh minh họa từ internet)
Đây là ý kiến của ông Tôn Quang Trí, phó giám đốc sở công thương thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) tại hội thảo góp ý kiến cho dự thảo luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) được đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức ngày (7-10).
Theo ông Trí, lâu nay Bộ kế hoạch và đầu tư không quy định bước thẩm định công nghệ khi cấp phép cho một dự án đầu tư như một quy trình bắt buộc, nghĩa là còn chấp nhận kêu gọi đầu tư bằng mọi giá mà hy sinh môi trường, dẫn đến tình trạng nhiều nhà máy khi đi vào sản xuất gây ô nhiễm, còn cơ quan quản lý môi trường cứ mãi chạy theo sau để xử lý.
Ông Trí cho biết mới đây lãnh đạo Ủy ban nhân dân TPHCM cũng yêu cầu sở khoa học và công nghệ, sở công thương, sở kế hoạch và đầu tư tiến hành thẩm định công nghệ trước khi cấp phép dự án đầu tư sản xuất công nghiệp vào thành phố.
Tuy nhiên, mới làm được một vài dự án thì thấy rất mất thời gian, gây trễ hạn và kéo dài thời gian cấp phép cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó vẫn thiếu cơ sở pháp lý để dừng việc cấp phép khi cơ quan chức năng nhận thấy dự án sử dụng công nghệ lạc hậu.
“Các dự án sản xuất công nghiệp tại TPHCM hiện nay chủ yếu giải quyết nhu cầu lao động, tận dụng lao động rẻ, giá điện rẻ. Đã đến lúc cần siết lại các nhà máy có công nghệ sản xuất lạc hậu, tránh hy sinh môi trường”, ông Trí cho hay.
Cách đây vài năm, sở khoa học và công nghệ thành phố có khảo sát tám trăm doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố. Kết quả cho thấy chỉ có 1% doanh nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, 8% sử dụng công nghệ khá, 40% sử dụng công nghệ trung bình và 51% sử dụng công nghệ lạc hậu. Đáng lưu ý trong số sử dụng công nghệ lạc hậu có cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Bể nước thải của công ty (ảnh minh họa từ internet)
Bể tự hoại gây ô nhiễm 47% lượng nước ngầm Cũng tại hội thảo sáng nay, đại diện sở y tế thành phố đề nghị bổ sung vào luật bảo vệ môi trường sửa đổi biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước dưới đất qua việc sử dụng bể tự hoại tại các hộ dân.
Theo đại diện sở y tế, hiện nay 80% người dân thành phố đang sử dụng bể tự hoại và việc những bể tự hoại này bị hư, rò rỉ chính là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm cho hơn 47% lượng nước ngầm trên địa bàn thành phố.
Về bảo vệ môi trường nước dưới đất, dự thảo luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) chỉ nêu: nghiêm cấm việc đưa vào nguồn nước dưới đất các loại hóa chất, chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và các tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật.
Theo ông Cao Tung Sơn, chi cục phó chi cục bảo vệ môi trường TPHCM, mặc dù nguồn chất thải từ bể tự hoại là nguồn gây ô nhiễm cho nguồn nước ngầm, tuy nhiên lâu nay vẫn chưa có cơ sở pháp lý quy định việc quản lý, kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm này.
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online)