Tại sao ngành năng lượng gió ngoài khơi của Mỹ đang gặp khó khăn?

Tháng Sáu 25 07:30 2024

MỸ – Các trang trại gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên của Mỹ bắt đầu đưa điện đến vùng Đông Bắc vào đầu năm 2024, nhưng làn sóng hủy bỏ các dự án trang trại gió và chi phí tăng cao đã khiến nhiều người nghi ngờ về tương lai của ngành công nghiệp này ở Mỹ.

Một số công ty hàng đầu như Ørsted, Equinor, BP và Avangrid, đã hủy hợp đồng hoặc tìm cách đàm phán lại trong những tháng đầu năm 2024. Việc rút lui đồng nghĩa với việc các công ty phải đối mặt với mức phí phạt hủy được ràng buộc trong hợp đồng từ 16 triệu USD đến vài trăm triệu USD cho mỗi dự án. Điều này cũng khiến cho công ty Siemens Energy, nhà sản xuất tua-bin gió ngoài khơi lớn nhất thế giới, dự đoán khoản lỗ tài chính trong năm 2024 là khoảng 2,2 tỷ USD.

Nhìn chung, các dự án đã bị hủy bỏ vào cuối năm 2023 dự kiến ​​sẽ có tổng công suất hơn 12 gigawatt, chiếm hơn một nửa công suất của các kế hoạch.

Vậy điều gì đã xảy ra và liệu ngành điện gió ngoài khơi của Mỹ có thể phục hồi?

Ông Christopher Niezrecki là Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Công nghệ Khoa học Năng lượng Gió (Center for Wind Energy Science Technology and Research WindSTAR) và Trung tâm Đổi mới Năng lượng (Center for Energy Innovation) của trường đại học Massachusetts Lowell (Mỹ), ông đã theo dõi ngành này một cách chặt chẽ. Ông cho biết, những rắc rối của ngành công nghiệp gió ngoài khơi rất phức tạp, nhưng nó vẫn tồn tại ở Mỹ và một số thay đổi chính sách có thể giúp ngành này tìm được chỗ đứng vững chắc hơn.

Bên dưới là những chia sẻ của ông Christopher về tình hình ngành năng lượng gió ngoài khơi tại Mỹ.

South Fork Wind đã được hoàn thành vào đầu năm 2024, được xem là trang trại gió ngoài khơi có quy mô lớn đầu tiên của Mỹ

Chuỗi thách thức từ quá trình phê duyệt kéo dài
Để các dự án gió ngoài khơi được cấp phép và phê duyệt ở Mỹ phải mất nhiều năm và gây ra nhiều bất ổn cho các nhà đầu tư, nhiều hơn so với các dự án ở châu Âu hoặc châu Á.

Trước khi một công ty đấu thầu một dự án ở Mỹ, nhà đầu tư phải lập kế hoạch mua sắm toàn bộ trang trại gió, bao gồm cả việc đặt trước để mua các bộ phận như tua-bin và dây cáp, thiết bị xây dựng và tàu chuyên chở thiết bị. Giá thầu cũng phải có tính cạnh tranh về chi phí, vì vậy các công ty có xu hướng đặt giá thầu thấp và không lường trước được những chi phí bất ngờ, điều này làm tăng thêm rủi ro và sự không chắc chắn về tài chính.

Sau đó, nhà đầu tư thắng thầu sẽ mua một hợp đồng thuê mặt biển đắt đỏ, trị giá hàng trăm triệu USD. Nhưng nó chưa có quyền xây dựng một dự án điện gió.

Trước khi bắt đầu xây dựng, chủ đầu tư phải tiến hành đánh giá địa điểm để xác định loại nền móng nào có thể thực hiện được và xác định quy mô của dự án. Nhà đầu tư phải hoàn tất thỏa thuận bán lượng điện do mình sản xuất, xác định điểm kết nối với lưới điện, sau đó chuẩn bị kế hoạch xây dựng và vận hành, sau đó phải xem xét thêm về môi trường. Tất cả những điều đó mất khoảng 5 năm và đó mới chỉ là sự khởi đầu.

Để một dự án có thể tiến triển, các nhà đầu tư có thể cần phải có được hàng tá giấy phép từ các cơ quan địa phương, tiểu bang, khu vực và liên bang. Cục Quản lý Năng lượng Đại dương liên bang (Federal Bureau of Ocean Energy Management), có thẩm quyền đối với việc cho thuê và quản lý đáy biển, phải tham khảo ý kiến ​​của các cơ quan có trách nhiệm pháp lý đối với các khía cạnh khác nhau trong đại dương, chẳng hạn như lực lượng vũ trang, Cơ quan Bảo vệ Môi trường và Dịch vụ Thủy sản Biển Quốc gia (Environmental Protection Agency, National Marine Fisheries Service), cũng như các bộ phận khác bao gồm câu cá thương mại và giải trí, nhóm bản địa, vận chuyển, quản lý bến cảng và chủ sở hữu tài sản.

Trang trại gió Vineyard Wind I đã bắt đầu đưa điện từ 5 trong số 62 tuabin gió theo kế hoạch ra khỏi Martha’s Vineyard vào đầu năm 2024 – thời gian từ khi đấu giá hợp đồng thuê của Cục quản lý Năng lượng từ Đại dương (Bureau of Ocean Energy Management – BOEM) đến khi có nguồn điện đầu tiên lên lưới là khoảng 9 năm.

Chi phí có thể tăng vọt trong thời gian trì hoãn dự án theo quy định
Cho đến gần đây, các hợp đồng này không bao gồm bất kỳ cơ chế nào để điều chỉnh chi phí cung ứng tăng cao trong thời gian phê duyệt kéo dài, làm tăng thêm rủi ro cho các nhà đầu tư.

Các dự án hiện tại, từ thời điểm được đấu thầu cho đến khi được phê duyệt xây dựng, thế giới đã phải đối mặt với đại dịch COVID-19, lạm phát, các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu, chi phí tài chính gia tăng và xung đột ở Ukraine. Giá hàng hóa tăng mạnh, bao gồm cả thép và đồng, cũng như chi phí xây dựng và vận hành, khiến nhiều hợp đồng được ký kết nhiều năm trước đó không còn khả thi về mặt tài chính.

Các hợp đồng mới và đấu thầu lại hiện nay đang cho phép điều chỉnh giá sau khi phê duyệt về môi trường, điều này khiến các dự án trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư ở Mỹ. Nhiều công ty đã hủy dự án, hiện tại đang đấu thầu lại.

Quy trình quản lý đang trở nên hợp lý hơn nhưng vẫn mất khoảng sáu năm, trong khi các quốc gia khác đang xây dựng dự án với tốc độ nhanh hơn và quy mô lớn hơn.

Quy tắc vận chuyển, kết nối điện
Một trở ngại đáng kể khác đối với việc phát triển năng lượng gió ngoài khơi ở Mỹ liên quan đến đạo luật có tuổi đời hàng thế kỷ được gọi là Đạo luật Jones (Jones Act).

Đạo luật Jones yêu cầu các tàu chở hàng giữa các khu vực của Mỹ phải do Mỹ đóng, vận hành và sở hữu bởi công ty Mỹ. Nó được viết để thúc đẩy ngành vận tải biển sau Thế chiến thứ nhất. Tuy nhiên, trên thế giới chỉ có ba tàu lắp đặt tuabin gió ngoài khơi đủ lớn cho các tuabin được đề xuất cho các dự án của Mỹ và không có tàu nào tuân thủ Đạo luật Jones.

Điều đó có nghĩa là các bộ phận của tuabin gió phải được vận chuyển bằng sà lan nhỏ hơn từ các cảng của Mỹ và sau đó được lắp đặt bởi một tàu lắp đặt nước ngoài đang chờ ở ngoài khơi, điều này làm tăng chi phí và bị chậm trễ.

Tập đoàn Dominion Energy đang đóng tàu mới mang tên Charybdis, sẽ tuân thủ Đạo luật Jones. Nhưng một trang trại gió ngoài khơi điển hình cần hơn 25 loại tàu khác nhau – để vận chuyển các đoàn thủy thủ, khảo sát, giám sát môi trường, lắp đặt cáp, nâng vật nặng và nhiều công việc khác.

Mỹ cũng thiếu lực lượng lao động được đào tạo bài bản để sản xuất, xây dựng và vận hành các trang trại gió ngoài khơi.

Để điện có thể truyền từ các trang trại gió ngoài khơi, lưới điện cũng cần được nâng cấp đáng kể. Bộ Năng lượng (Department of Energy) đang nghiên cứu các kế hoạch truyền tải trong khu vực, nhưng việc cấp phép chắc chắn sẽ chậm.

Các vụ kiện tụng, thông tin sai lệch làm tăng thêm thách thức
Vô số vụ kiện từ các nhóm vận động phản đối các dự án gió ngoài khơi đã khiến sự phát triển thêm chậm lại.

Những chủ nhà có thế lực đã tìm cách ngăn các trang trại gió có thể xuất hiện ở tầm nhìn ra đại dương của ngôi nhà họ. Các nhóm lướt ván tự xưng là người bảo vệ môi trường, đã phát động các chiến dịch ngăn dự án phát triển, khiến cho thông tin bị sai lệch.

Vào năm 2023, nhiều chính trị gia đảng Cộng hòa và các nhóm bảo thủ cho rằng sự nguy hại của cá voi ngoài khơi bờ biển New York và New Jersey là do các dự án năng lượng gió ngoài khơi, nhưng bằng chứng lại chỉ ra rằng các vụ va chạm giao thông tàu thuyền và vướng vào các dụng cụ đánh bắt thủy sản của ngư dân ngày càng gia tăng.

Những thông tin sai lệch như vậy có thể làm giảm sự ủng hộ của công chúng và làm chậm tiến độ của các dự án.

Nỗ lực duy trì ngành công nghiệp gió ngoài khơi
Mỹ đặt mục tiêu lắp đặt 30 gigawatt công suất gió ngoài khơi vào năm 2030, nhưng các ước tính gần đây cho thấy con số thực tế giảm gần bằng một nửa con số đó.

Bất chấp những thách thức, các nhà đầu tư vẫn có lý do để tiếp tục triển khai các dự án.

Đạo luật Giảm lạm phát (Inflation Reduction Act) cung cấp các ưu đãi, bao gồm các khoản tín dụng thuế liên bang để phát triển các dự án năng lượng sạch và cho các nhà đầu tư xây dựng cơ sở cảng ở những khu vực trước đây phụ thuộc vào ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch. Hầu hết chính quyền các quốc gia ven biển cũng đang tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án bằng cách cho phép điều chỉnh giá sau khi phê duyệt về môi trường. Họ coi năng lượng gió ngoài khơi là cơ hội để tăng trưởng kinh tế.

Những lợi ích tài chính này có thể khiến việc xây dựng ngành điện gió ngoài khơi trở nên hấp dẫn hơn đối với các công ty cần sự ổn định của thị trường và một loạt dự án giúp giảm chi phí – những dự án có thể tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như góp phần bảo vệ môi trường.

Để xem các tin bài khác về “Năng lượng gió”, hãy nhấn vào đây.

 

Nguồn: Maritime Executive

Bình luận hay chia sẻ thông tin