Việt Nam có thể kỳ vọng vào một làn sóng đầu tư mới hay không và nên ưu tiên điều gì? Mục tiêu giải quyết nợ xấu có đi đúng hướng và điều gì cần nhất trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng?… Ông Alain Cany – nguyên tổng giám đốc ngân hàng HSBC tại Việt Nam, nguyên chủ tịch phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam; hiện là đồng chủ tịch diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, đã chia sẻ góc nhìn của một chuyên gia tài chính – ngân hàng giàu kinh nghiệm.
Phát triển công nghiệp phụ trợ để cung cấp nguyên liệu cho ngành dệt may
Nâng cao hàm lượng nội địa hóa Nếu phải có một đánh giá về tổng quan những thay đổi của môi trường đầu tư Việt Nam trong năm qua, thì đó sẽ là gì, thưa ông?
Tôi có thể khẳng định năm vừa qua nền kinh tế Việt Nam đã có sự cải thiện rõ rệt. Chúng ta có thể nhớ lại vài tháng trước đây tình hình kinh tế vẫn khá khó khăn. Nhưng qua những nỗ lực rất đáng ghi nhận từ phía chính phủ cũng như sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, đã có thể thấy một vài chuyển biến tích cực từ tình hình kinh tế vĩ mô, ví dụ như vấn đề tỷ giá đã giảm khá mạnh, chỉ số lạm phát giảm dưới mức một con số, thâm hụt ngân sách cũng được kiểm soát chặt chẽ.
Tôi nghĩ đây sẽ là điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển trên đà phục hồi. Tuy nhiên tình hình trước mắt vẫn còn khá nhiều khó khăn. Sản xuất trong nước cũng còn rất ảm đạm. Tôi cho rằng sắp tới chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải chung tay để vượt qua những khó khăn này.
Liệu Việt Nam có thể kỳ vọng vào một làn sóng đầu tư mới, với những tiêu chí đặt ra như công nghệ tiên tiến, hàm lượng công nghệ cao trong thời gian tới hay không? Và để thực sự có được điều đó thì Việt Nam sẽ phải ưu tiên trước hết cho điều gì, thưa ông?
Tôi phải nói rằng tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam trong thời gian qua tương đối tốt. Chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng của nguồn vốn FDI năm nay so với năm ngoái. Đặc biệt có sự cải thiện đáng kể trong việc giải ngân nguồn vốn FDI. Mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn còn ở vị thế hấp dẫn trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Sắp tới, một trong những trọng tâm Việt Nam cần tập trung phát triển là những ngành công nghiệp phụ trợ. Công nghiệp phụ trợ đóng vai trò hết sức quan trọng.
Đặc biệt, Việt Nam cần phải nâng cao hàm lượng nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp phụ trợ. Hiện nay chúng ta có thể nhìn thấy rất nhiều công ty đầu tư nước ngoài có thế mạnh về mặt hàng xuất khẩu, ví dụ như SamSung. SamSung chiếm tới 50% thị phần xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam, tuy nhiên với họ việc nội địa hóa vẫn còn tồn tại như bài toán chưa giải xong. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần chú trọng việc phát triển các ngành công nghiệp hàng xuất khẩu đã có thế mạnh từ trước như da giày, may mặc nhằm nâng cao lợi thế của mình.
Ngoài ra, trong tương lai dài hạn, Việt Nam cũng cần phải hướng tới việc nâng cao nội địa hóa một số ngành có hàm lượng công nghệ cao, ví dụ như trong lĩnh vực công nghệ thông tin hay các sản phẩm điện tử viễn thông. Trước nay giá trị của sản phẩm Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ, sắp tới sẽ phải chú ý đến việc nâng cao giá trị thông qua chất lượng kỹ thuật.
Minh bạch trong tái cơ cấu ngân hàng Ngân hàng và thị trường vốn có vẻ vẫn là khu vực nhận được sự quan tâm nhiều nhất của khối doanh nghiệp. Tại Diễn đàn doanh nghiệp giữa kỳ VBF vừa qua ông đã cho rằng mở “room” ngoại cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm xử lý yếu kém của các ngân hàng sẽ chỉ là giấc mơ, dự báo này đã diễn ra như thế nào?
Hiện nay các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều rất quan tâm đến ngân hàng, nguồn vốn bởi vì như chúng ta đều biết, một hệ thống kinh tế muốn khỏe thì cần phải có hệ thống ngân hàng khỏe. Thời gian vừa qua chúng tôi cũng đã nhận thấy những nỗ lực rất đáng ghi nhận của các cơ quan nhà nước liên quan, giải quyết các vấn đề của ngân hàng và thị trường vốn. Tuy nhiên cũng cần phải nói thêm rằng đây chỉ là những bước đầu tiên trong chặng đường dài giải quyết những vấn đề tồn tại.
Có thể điểm qua một số tiến triển trong thời gian vừa qua, như việc ban hành thông tư 02 về phân loại nợ. Đây là một tiến triển rất tốt, tôi hy vọng thông tư này sẽ được triển khai theo đúng kế hoạch vào năm sau. Một động thái khá tích cực nữa là công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Công ty này sẽ giúp xử lý một số nợ xấu đáng kể trong hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên vấn đề hiện nay chúng ta phải quan tâm đến là không chỉ xử lý nợ xấu, mà còn làm sao để tái huy động vốn, tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng. Về vấn đề nợ xấu hiện nay vẫn có quá nhiều thông tin khác nhau về con số thực của nợ xấu. Chúng tôi hy vọng vấn đề này sẽ sớm được làm rõ, thể hiện sự rõ ràng và minh bạch vì đây là thông tin hết sức quan trọng.
Riêng vấn đề huy động vốn cho các ngân hàng, tôi cho rằng mấu chốt vẫn nằm ở quy định về ngưỡng sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng, hiện tại dao động từ 20% đến 30% là trường hợp ngoại lệ. Tôi cũng biết rằng chính phủ Việt Nam sẽ cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài lên đến 100% ở các ngân hàng nằm trong danh sách cần phải tái cấu trúc. Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn cần lộ trình để có thể nới dần trần sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng nói chung. Bởi chúng ta đều biết tỷ lệ sở hữu 20% hay 30% tại các ngân hàng hiện nay không còn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nữa.
Ông vừa nhắc đến VAMC, nhiều người vẫn hoài nghi về hiệu quả của công ty này. Liệu có những rủi ro tiềm ẩn nào về việc tạo cơ chế cho nợ xấu phát triển thông qua VAMC hay không?
Từ cuối tháng 10-2013, VAMC bắt đầu mua vào một số nợ xấu, cho nên tôi nghĩ vẫn còn quá sớm để đưa ra những đánh giá về hiệu quả hoạt động của công ty này. Tuy nhiên, những điều bây giờ chúng tôi có thể đánh giá đó là, đây là một công cụ tốt và cho thấy quyết định đúng đắn của chính phủ. Qua vài tháng hoạt động vừa rồi của VAMC, chúng tôi cho là công ty đã đi đúng hướng. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải đảm bảo sự minh bạch về quy trình hoạt động của VAMC. Chúng ta cần đợi một thời gian nữa mới kết luận được về hiệu quả của cơ quan này.
(Nguồn: sggp.org.vn)