Mô hình tàu điện mẫu tuyến Cát Linh – Hà Đông sơn chủ đạo màu xanh, trắng; đầu tàu có biểu tượng Khuê Văn Các… sẽ được đưa ra giới thiệu trong tháng 10.
Tuần qua, đoàn công tác Bộ Giao thông Vận tải và ban quản lý dự án đường sắt đã sang làm việc với tổng thầu Trung Quốc nhằm thúc đẩy tiến độ hoàn thành dự án, đồng thời kiểm tra công tác đóng tàu, trong đó có tàu mẫu, khảo sát, kiểm tra công tác đào tạo lái tàu…
Đầu tàu điện Cát Linh – Hà Đông
Ông Lê Kim Thành, giám đốc ban quản lý dự án đường sắt, cho biết tàu mẫu tuyến Cát Linh – Hà Đông đã được chế tạo xong, đang hoàn thiện để đóng gói, vận chuyển về trưng bày tại Hà Nội vào cuối tháng 10. Tàu mẫu mô phỏng tỷ lệ 1/1 về hình dáng kết cấu, nội ngoại thất sẽ được chỉnh sửa thiết kế sau khi lấy ý kiến.
Nội thất của tàu
Theo hợp đồng đã ký kết với phía Trung Quốc, Việt Nam sẽ mua 13 đoàn tàu cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Chi phí mua tàu là hơn 63,2 triệu USD đã được Bộ Giao thông thẩm định. Đoàn tàu gồm bốn toa xe, thân tàu sử dụng vật liệu thép không gỉ do Công ty Trang thiết bị Tàu điện ngầm Bắc Kinh sản xuất.
Đèn LED chỉ dẫn các ga trên tuyến
Phần đầu tàu điện Cát Linh – Hà Đông được thiết kế vát nhọn. Tàu có kính chắn gió, kính cửa sổ ẩn có màu sẫm. Họa tiết trang trí biểu tượng Khuê Văn Các ở giữa đầu tàu và tại các vị trí nổi bật, phía dưới là dòng chữ Cát Linh – Hà Đông.
Tuyến đường sắt đi trên cao này dài 13 km, có khổ đường 1,435 mm với 12 nhà ga trên cao, trang bị 13 đoàn tàu, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/ chuyến, vận tốc bình quân khai thác 35 km/h, do tổng thầu Trung Quốc thực hiện.
Theo tiến độ dự án được Bộ Giao thông đề ra, tháng 6/2016, tuyến sẽ được hoàn thành phần xây lắp và vận hành thử.
(Nguồn: vnexpress.net)