Tàu hai thân cao tốc đầu tiên sẽ được đưa vào hoạt động chở khách trên tuyến thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) – Vũng Tàu vào tháng mười tới, nhằm thay thế cho các tàu cánh ngầm cũ thường xảy ra sự cố.
Ngày 12/9, Công ty Greenlines DP đã chạy thử nghiệm tàu hai thân cao tốc – GreenCat trên sông Cái Bè (Tiền Giang), sau 15 tháng thi công với năm mươi kỹ sư công nhân. Đây là tàu hai thân đầu tiên ở Việt Nam, do công nhân trong nước sản xuất. Tàu có 42 chỗ, vỏ tàu làm bằng sợi kevlar (vật liệu làm áo chống đạn) và composite epoxide, động cơ MTU của Đức, có thể đạt được tốc độ tối đa 35 – 45 hải lý mỗi giờ.
Tiến sĩ Lê Huy Thảo, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty cho biết, tàu hai thân cao tốc ra đời nhằm thay thế cho những tàu cánh ngầm già nua cũ kỹ thường xuyên gặp sự cố hiện nay. “Chi phí cho tàu khoảng một triệu USD, thấp hơn một đến hai lần so với việc mua mới tàu từ nước ngoài”, ông Thảo nói.
Theo ông Thảo, đặc tính cơ bản của tàu hai thân GreenCat là có trọng lượng nhẹ, bề ngang rộng tạo sự tiện nghi thoải mái, lượng dãn nước ít, vận hành ổn định và an toàn, tốc độ đạt đến 45 hải lý/ giờ, khi chạy không tạo ra sóng lớn có thể ảnh hưởng đến tàu bè xung quanh, vận hành tốt trong điều kiện gió cấp bảy.
Từ đây đến cuối năm sẽ có sáu tàu từ 60 đến 120 chỗ ngồi được đưa vào sử dụng chở khách tuyến tuyến TP.HCM – Vũng Tàu và Hà Tiên – Phú Quốc.
“Tàu hai thân khi đưa vào sử dụng được trang bị máy lạnh, cách âm tiếng ồn, và lắp wifi…Hành khách ngồi trên tàu rất êm, không như đi tàu cánh ngầm hiện nay”, lãnh đạo công ty khẳng định.
Vừa qua, Bộ giao thông vận tải có văn bản yêu cầu các Sở giao thông vận tải TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và Hải Phòng tạm dừng cấp phép rời cảng, bến đối với các tàu cao tốc cánh ngầm lắp một động cơ để kiểm tra các điều kiện về an toàn theo quy định.
Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM đã tạm đình chỉ sáu tàu cao tốc cánh ngầm một máy chạy tuyến TP.HCM – Vũng Tàu vì cho rằng loại này khi chết máy sẽ trôi dạt trên sông dễ gây nguy hiểm cho các phương tiện khác.
(Nguồn Vnexpress)