Thách thức nào cho doanh nghiệp Việt đầu tư vào lĩnh vực công nghệ xanh?

Tháng Mười Một 05 08:00 2013

Đa phần các doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu vốn, sự hỗ trợ của Nhà nước, cơ hội tiếp cận công nghệ xanh và đặc biệt là thiếu tầm nhìn chiến lược thương mại khi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ xanh. Đó là những vấn đề chính được đưa ra trong Hội nghị Green-Biz 2013 vừa được tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh.

Thế giới hiện nay đang chịu ảnh hưởng của những vấn đề mang tính chất toàn cầu ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia như biến đổi khí hậu, gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa… Đặc biệt, vấn đề đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ vào năm 2007 với 70% dân số thế giới sống ở đô thị và ở Việt Nam được dự báo là sẽ tăng 40% vào năm 2020 và 60% vào năm 2030. Điều này vừa là cơ hội mà cũng là thách thức đối với môi trường, cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị, chăm sóc sức khỏe ,ô nhiễm công nghiệp, ô nhiễm tiếng ồn, tiết kiệm năng lượng. Nếu duy trì tình trạng này, con người sẽ phải chịu tác động vô cùng to lớn từ những tác nhân đó gây ra.

Hiện nay, các doanh nghiệp ở Việt Nam đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong kinh doanh năng lượng xanh như thiếu chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thiếu vốn và chưa tiếp cận được công nghệ tiên tiến do chi phí đầu vào quá cao.

Một vài doanh nghiệp tư nhân thử nghiệm kinh doanh công nghệ xanh như năng lượng điện, năng lượng gió nhưng bán ra với giá rất thấp, điều đó làm giảm đi khả năng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Thực trạng này đặt ra câu hỏi nên chăng, Nhà nước phải có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển năng lượng điện, năng lượng gió thông qua các chính sách ưu tiên giá bán, đầu tư vốn?

Dau tu vao linh vuc cong nghe xanh

Hội nghị Green-Biz 2013 là cơ hội hữu ích cho doanh nghiệp Việt Nam. Nguồn: FinancePlus.vn

Theo khuyến cáo của các đại biểu đến từ phái đoàn châu Âu, Chính phủ Việt Nam không nên trông chờ vào nguồn vốn ODA trong lĩnh vực công nghệ xanh mà phải có chính sách và nguồn vốn riêng, tạo ra cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia, đặc biệt là các doanh nghiệp có năng lực về tài chính, có mô hình kinh doanh khả quan.

Đồng thời, các doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh công nghệ xanh cũng phải đề ra mục tiêu cũng như tính đến lợi ích thương mại về sau. Học hỏi kinh nghiệm và mô hình kinh doanh từ các nước thành công đi trước.

Ông John Nielsen – Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cũng chỉ ra rằng, hiện tại tính cạnh tranh trong môi trường đầu tư của Việt Nam vào lĩnh vực này chưa cao. Đan Mạch cũng là một quốc gia gặp phải nhiều khó khăn khi bước đầu thử nghiệm với công nghệ xanh. Tuy nhiên, đến nay đã có 11 công ty lớn và các đối tác thành công trong lĩnh vực công nghệ xanh ở quốc gia này và góp phần tích cực vào hoạt động giảm thiểu biến đổi khí hậu và năng lượng xanh.

Mục tiêu của Đan Mạch đến năm 2050 sẽ trở thành quốc gia độc lập và không bị phụ thuộc vào nhiên liệu. Có được những thành công đó là nhờ sự tham gia của cả Chính phủ và tư nhân. Chính phủ ban hành những chính sách khuyến khích và tư nhân tham gia để duy trì sản xuất điện gió và năng lượng điện tái tạo.

Green-Biz 2013 là cơ hội hữu ích cho doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt các giải pháp, kinh nghiệm đầu tư tăng trưởng xanh từ các đối tác châu Âu nhằm củng cố cơ hội kinh doanh bền vững; là diễn đàn hữu ích cho các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách trao đổi, cập nhật thông tin phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế xanh và bền vững.

(Nguồn: tapchitaichinh.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin