Khóa đào tạo thiết kế vi mạch tương tự (Analog +1) đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) do trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) – đại học Quốc Gia cùng Sở truyền thông – thông tin TPHCM tổ chức, cho thấy đây là bước đi quan trọng trong chuẩn bị nguồn nhân lực thiết kế vi mạch nói riêng hay chương trình vi mạch của TPHCM nói chung.
Đây là khóa đào tạo thiết kế vi mạch nằm trong dự án đào tạo nguồn nhân lực thuộc chương trình “Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2013 – 2020”. Theo đó, khóa này có 21 học viên tham dự, trong đó có sáu học viên của học viện kỹ thuật quân sự, diễn ra trong thời gian mười tháng, chuyên về thiết kế vi mạch tương tự nhằm đáp ứng nhu cầu kịp thời cho một số đơn vị nghiên cứu, đồng thời cũng là khóa học thử nghiệm song song với việc nghiên cứu các chuẩn đào tạo cho ngành học này.
Có thể thấy tuy số lượng học viên không nhiều nhưng với đặc điểm ngành vi mạch hiện nay và đặc thù của ngành học này cho một cái nhìn khác. Trong số 21 học viên lần này, có những người tự đi học, có những người do công ty, hay đơn vị cử đi… do đó đa phần những học viên tham gia khóa học này đã có định hướng rõ ràng là làm việc trong các công ty, tổ chức liên quan đến công nghệ bán dẫn. Hay với các học viên thuộc học viện kỹ thuật quân sự thì có người đã có bằng tiến sĩ, nên việc tham gia khóa học là một bước tiến sâu hơn vào ngành vi mạch theo quy chuẩn công nghiệp quốc tế. Chính vì thế, theo ông Ngô Đức Hoàng, giám đốc ICDREC, thành viên ban chỉ đạo chương trình “Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM”, các học viên này không chỉ học tập để phục vụ công việc mà còn là những hạt giống của nguồn nhân lực vi mạch của TPHCM.
Tham gia giảng dạy và hướng dẫn tại khóa học do giáo sư tại các trường đại học kỹ thuật danh tiếng ở Nhật Bản và Thụy Sĩ cùng với những giảng viên tại các trường đại học kỹ thuật hàng đầu trong nước và đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm của ICDREC đảm nhiệm… Chính vì thế kinh phí của toàn bộ khóa học không phải nhỏ, tầm 250 triệu đồng/học viên. Tuy nhiên, trong số này có những học viên được hỗ trợ 50% kinh phí từ sở truyền thông – thông tin TPHCM.
Đại diện sở truyền thông – thông tin TPHCM cho rằng, ngồn nhân lực phục vụ ngành vi mạch luôn khan hiếm, nhất là trong bối cảnh TPHCM đang triển khai chương trình vi mạch nên khóa học đầu tiên này được kỳ vọng là bước đi tiên phong và đột phá trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền công nghiệp vi mạch trong nước nói chung và nền công nghiệp vi mạch của TPHCM nói riêng. Nằm trong tổng thể của thuộc chương trình “Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2013 – 2020” trong thời gian tới, sẽ tiếp tục có những lớp đào tạo thiết kế vi mạch tiếp theo nhằm đảm bảo đầy đủ nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp đầy tiềm năng này.
(Nguồn: sggp.org.vn)