Thiết kế hệ thống tự động thích ứng với vị trí mặt trời

Tháng Năm 24 09:00 2014

Thiết bị ứng dụng năng lượng mặt trời cung cấp năng lượng nhiệt và điện phát triển mạnh mẽ trên thế giới trong nhiều năm gần đây. Để nâng cao hiệu suất thiết bị đã có nhiều nghiên cứu, nhiều sản phẩm cơ cấu định hướng theo vị trí mặt trời lắp cho tấm thu bức xạ Mặt trời. Cơ cấu định hướng theo vị trí mặt trời được sử dụng để đưa mặt thu các thiết bị luôn hướng về phía mặt trời nhằm thu nhiều năng lượng nhất. Ở Việt Nam, cơ cấu định hướng mặt thu theo vị trí mặt trời chưa được quan tâm nhiều, đã có một số thử nghiệm từ các trường đại học ở quy mô phòng thí nghiệm.
(Bài viết của Lý Ngọc Thắng, Viện Năng lượng)

Xuất phát từ thực tế cần thiết nghiên cứu chế tạo cơ cấu định hướng theo vị trí mặt trời đơn giản áp dụng cho quy mô công suất nhỏ, đề tài “Nghiên cứu, thiết kế hệ thống tự động thích ứng với vị trí mặt trời nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết bị dùng năng lượng mặt trời” đã được thực hiện nghiên cứu, thiết kế hệ thống điện mặt trời có hệ thống định hướng theo vị trí mặt trời, thử nghiệm tại địa bàn Hà Nội. Trên cơ sở đó, đề xuất chế tạo hệ thống quy mô thương mại và ứng dụng cho các vùng trong cả nước.

1. Mục tiêu, nội dung và phương pháp nghiên cứu
Mục tiêu của nghiên cứu: Nghiên cứu các hệ thống tự động điều chỉnh góc quay bề mặt thu năng lượng mặt trời theo vị trí của mặt trời để thu được nhiều năng lượng. Thiết kế, chế tạo hệ thống tự động điều chỉnh góc quay bề mặt thu của thiết bị pin mặt trời hệ gia đình.

Nội dung của nghiên cứu: Thu thập số liệu khí tượng của các trạm khí tượng chính trong phạm vi cả nước, cập nhật số liệu mới nhất. Nghiên cứu các phương án tự động điều chỉnh góc quay bề mặt thu năng lượng mặt trời theo vị trí của mặt trời để đạt hiệu quả cao. Thiết kế hệ thống tự động điều chỉnh góc quay bề mặt thu của thiết bị pin mặt trời hệ gia đình. Đo đạc số liệu, đánh giá hiệu quả, xem xét khả năng ứng dụng tại Việt Nam.

Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu các tài liệu và công trình đã có, phân tích và chọn công nghệ tiên tiến phù hợp của nước ngoài và nắm vững công nghệ để triển khai vào điều kiện Việt Nam để chế tạo ra sản phẩm phục vụ nâng cao hiệu suất hệ thống pin mặt trời.

2. Kết quả nghiên cứu của đề tài
2.1. Lựa chọn phương án
Trong khuôn khổ đề tài này, hệ thống quang điện cho quy mô gia đình sẽ được chọn làm mô hình nghiên cứu thử nghiệm

He thong tu dong thich ung voi vi tri mat troi_01Hình 1. Các loại mô hình một trục và hai trục định hướng theo vị trí mặt trời

Các hệ thống có bộ định hướng có thể đạt công suất gần như tối đa suốt thời gian hoạt động vào những ngày nắng, quang mây trong khi hệ thống có mặt thu cố định chỉ đạt công suất tối đa trong một vài giờ trong giữa ngày.

Hệ thống PV có bộ định hướng theo vị trí Mặt trời sẽ nhận được nhiều năng lượng hơn so với hệ thống có mặt thu cố định vào các giờ buổi sáng và buổi chiều. Điều đó chỉ ra rằng các dàn pin có bộ định hướng sẽ cần công suất đặt nhỏ hơn so với các dàn pin lắp cố định mà vẫn sản ra cùng mức điện năng.

Thị trường hiện nay, có hai loại hệ thống năng lượng Mặt trời định hướng, hệ thống định hướng theo trục đơn, và hệ thống định hướng theo trục kép. Hệ thống định hướng theo một trục duy nhất sẽ định hướng theo vị trí Mặt trời từ Đông sang Tây trên một trục đặt theo hướng Bắc Nam. Hệ thống trục kép định hướng Đông sang phía Tây và định hướng theo phía Bắc đến phía Nam.

Qua nghiên cứu các tài liệu, đánh giá ưu khuyết điểm của các hệ thống định hướng theo vị trí Mặt trời trên thế giới đề tài đã phân tích để đi đến lựa chọn một phương án thiết kế chế tạo hệ thống, căn cứ phân tích như dưới đây:

Hệ thống định hướng theo một trục
– Định hướng theo vị trí Mặt trời từ Đông sang Tây bằng cách sử dụng một trục duy nhất
– Tăng hiệu suất thu năng lượng Mặt trời tới 34%
– Thiết kế đơn giản, hiệu quả
– Bảo dưỡng thấp
– Chi phí thấp hơn so với trục kép
– Giảm khả năng hư hỏng

Hệ thống định hướng theo hai trục
– Định hướng theo vị trí Mặt trời từ Đông sang Tây, và phía Bắc đến phía Nam bằng cách sử dụng hai trục quay
– Tăng hiệu suất thu năng lượng Mặt trời tới 37%
– Thiết kế phức tạp hệ thống các cảm biến và điều khiển động cơ
– Chi phí đầu tư cao hơn do các bộ phận bổ sung và thời gian lắp
– Đặt chi phí bảo trì cao hơn
– Do thêm các bộ phận bổ sung, làm tăng khả năng hư hỏng

Dựa trên những phân tích, so sánh trên, đề tài lựa chọn phương án hệ thống một trục quay định hướng theo vị trí Mặt trời. Các nghiên cứu của thế giới đã chỉ ra hệ thống định hướng theo trục kép chỉ có thể tăng thêm thêm 3% năng lượng so với trục đơn. Với chi phí thiết bị, chi phí bảo trì cao hơn và có thời gian ngừng để sửa chữa cao, hệ thống định hướng theo trục kép thực tế có thể ít khả năng phát triển mạnh như loại một trục.

2.2. Hệ thống điện Mặt trời có bộ định hướng theo vị trí Mặt trời
Một số bộ phận chính: Pin Mặt trời 85Wp, bộ định hướng theo vị trí Mặt trời, bộ điều khiển sạc, ắc quy

He thong tu dong thich ung voi vi tri mat troi_02Hình 2. Bộ điều khiển định hướng theo vị trí Mặt trời

Nguyên lý hoạt động: Khi hệ thống định hướng được cấp điện, sẽ tự động đặt lại về chế độ tọa độ gốc ban đầu, lúc này mặt phẳng tấm pin Mặt trời sẽ vuông góc với ánh nắng Mặt trời tại thời điểm 7h sáng.

Hệ thống sẽ hoạt động một trong hai trạng thái sau:
– Nếu có ánh nắng, hệ thống sẽ tự nhận biết ánh nắng bằng cảm biến quang trở được chiếu sáng, thiết bị sẽ tự động dò vị trí Mặt trời và điều chỉnh để cho mặt phẳng tấm pin Mặt trời vuông góc với tia sáng của Mặt trời. Khi Mặt trời di chuyển vị trí, hệ thống sẽ tự động nhận biết và thay đổi theo.
– Nếu trời không có nắng, hệ thống sẽ tự động chuyển sang chế độ điều chỉnh hướng của mặt phẳng tấm pin Mặt trời theo rơle thời gian thực.

2.3. Hệ thống điện Mặt trời đối chứng
Một số bộ phận chính: Pin Mặt trời 85Wp, bộ điều khiển sạc, ắc quy

Lắp đặt tấm pin Mặt trời (mặt thu) nghiêng về phía nam góc độ cố định.

2.4. Mô hình thử nghiệm
Mô hình thử nghiệm bao gồm: Hệ thống điện Mặt trời có bộ định hướng theo vị trí Mặt trời (TB 01), hệ thống điện Mặt trời đối chứng (TB 02), hệ thống đo và ghi số liệu

Mô hình thử nghiệm được thiết kế chế tạo theo điều kiện khí hậu, khí tượng Hà Nội.

He thong tu dong thich ung voi vi tri mat troi_03Hình 3. Hệ thống thử nghiệm

Hai hệ thống điện Mặt trời thử nghiệm và đối chứng được đấu nối qua hệ thống đo để cùng lúc có thể đo được cả hai thông số dòng. TB 01 bên trái, TB 02 bên phải.

Hai ắc quy đấu song song để có cùng điện áp và dung lượng như nhau cho hai hệ thống (TB 01 và TB 02).

Nguồn điện cấp cho bộ đo đếm dòng nạp từ ắc quy riêng

He thong tu dong thich ung voi vi tri mat troi_04Hình 4. Sơ đồ đấu nối hệ thống điện Mặt trời và hệ thống đo

Thiết bị đo dòng nạp ắc qui gồm có hai kênh đo dòng là: P1,N1 và P2,N2. Hai kênh đo này cho phép đo song song hai dòng nạp cho hai ắc qui.

Với bước thời gian đo là 1 giây, tức là sau mỗi giây bộ đếm sẽ đo và tính tổng theo phương pháp cộng dồn dòng nạp, tổng lượng dòng nạp được đo trong một giờ sẽ ra số Ah.

Vậy trong cùng một đơn vị thời gian, thiết bị sẽ đo tổng dòng nạp của mỗi kênh, qua chỉ số đó sẽ đánh giá được hiệu quả của thiết bị.

Các menu của bộ ghi dòng nạp tích lũy: Đặt thời gian, ghi dữ liệu, xem dung lượng, xóa từng ngày, xóa tất cả

He thong tu dong thich ung voi vi tri mat troi_05Hình 5. Bộ đo ghi Ampe tự động

Sau nhiều ngày đo trong tháng 10 và tháng 11 năm 2012, cho thấy khi có nắng, thời gian từ 8 giờ sáng đến 10 giờ sáng và 2 giờ chiều đến 4 giờ chiều, đo dòng nạp của thiết bị thử nghiệm TB 01 luôn có giá trị đo lớn hơn giá trị đo của thiết bị đối chứng TB 02, có thời điểm tới 2 lần. Nếu xét trung bình trong một ngày đã đo, tổng dòng nạp tích lũy của thiết bị thử nghiệm so với hệ thống đối chứng cao hơn từ 30% đến 35%.

Trong thời tiết mùa hè vào tháng có bức xạ cao, thiết bị thử nghiệm có thể cho hiệu quả cao hơn. Đặc biệt với các vùng từ Huế trở vào phía Nam điều kiện có điều kiện khí hậu thuận lợi hơn nhiều so với vị trí thử nghiệm Hà Nội.

3. Kết luận
Đề tài đã đạt mục tiêu, nghiên cứu các hệ thống tự động điều chỉnh góc quay bề mặt thu năng lượng Mặt trời theo vị trí của Mặt trời để thu được nhiều năng lượng. Thiết kế, chế tạo hoàn chỉnh hệ thống tự động điều chỉnh góc quay bề mặt thu của thiết bị pin Mặt trời hệ gia đình, có thiết bị đối chứng. Có hệ thống đo tự ghi dòng nạp tích lũy chính xác. Đủ cơ sở đánh giá hiệu quả của hệ thống.

Tuy nhiên cần hoàn chỉnh thiết kế để có thể thương mại hóa sản phẩm hệ thống điện Mặt trời có định hướng theo vị trí Mặt trời cho cỡ công suất 200Wp – 400Wp.

(Nguồn: nangluongvietnam.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin