Thứ trưởng Bộ Giao thông: ‘Vinashin vẫn có cơ hội phát triển’

Tháng Mười 18 09:00 2013

Vinashin sẽ kết thúc thí điểm mô hình tập đoàn, hoạt động trở lại như một tổng công ty, dù đối mặt với nhiều khó khăn song vẫn có cơ hội phát triển, theo Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường.

Vinashin van co co hoi phat trien_01

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng quá trình tái cơ cấu tại Vinahsin còn chậm so với kế hoạch được Chính phủ đề ra. Ảnh: Nhật Minh

Thứ trưởng đánh giá hiện trạng Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) như thế nào sau 3 năm tiến hành tái cơ cấu?

Để thực hiện việc tái cơ cấu tập đoàn, trước hết Chính phủ, cơ quan quản lý cũng như bản thân doanh nghiệp đã tiến hành bổ nhiệm nhiều chức danh chủ chốt, phê duyệt điều lệ, quy chế tài chính. Vinashin đã cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại bộ máy, sắp xếp lại nhân sự ở cấp tập đoàn cũng như các công ty con như Nam Triệu, Bạch Đằng, Phà Rừng, Bến Kiền, Hạ Long, Sông Cấm, công nghiệp tàu thủy Sài Gòn, công ty Tài chính…

Vinashin van co co hoi phat trien_02

Đến nay, tập đoàn đã tái cơ cấu được 46 doanh nghiệp, bao gồm rút vốn khỏi 14 đơn vị, giải thể 14, chuyển nhượng vốn góp – bán tài sản 14 đơn vị. Số còn lại được sáp nhập hoặc bàn giao, chuyển chủ sở hữu… Bên cạnh đó, Vinashin cũng đã tái cơ cấu lao động, thực hiện chính sách với những người thuộc diện dôi dư.

Gặp rất nhiều khó khăn nhưng để giảm bớt thiệt hại, từ năm 2010 đến nay, tập đoàn vẫn tiếp tục thực hiện các hợp đồng đóng tàu đã ký và đang dở dang. Nếu không làm việc này, số lỗ từ năm 2010 đến nay sẽ còn tăng thêm. Ngoài ra, Vinashin cũng cố gắng tìm kiếm hợp đồng đóng tàu mới, mở rộng dịch vụ sửa chữa trên nguyên tắc tối thiểu là hòa vốn để duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động.

Theo đề xuất, Vinashin sẽ chuyển đổi từ mô hình tập đoàn kinh tế về thành một tổng công ty. Thay đổi này tác động như thế nào tới hoạt động của doanh nghiệp?

Đây thực chất là việc kết thúc thí điểm mô hình tập đoàn tại Vinashin, tổ chức lại công ty mẹ (hiện nay là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) hành Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy như trước khi thí điểm. Chuyển đổi này nhằm tiếp tục tái cơ cấu toàn diện Vinashin theo hướng thu gọn quy mô sản xuất, tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính, giữ được năng lực chủ yếu về đóng và sửa chữa tàu thủy. Điều đó cũng phù hợp với tình hình thị trường, khả năng tài chính, năng lực quản lý, giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực tái cơ cấu, sớm thoát khỏi tình trạng thua lỗ và phát triển.

Quá trình tái cơ cấu Vinashin tuy vậy vẫn bị đánh giá là chậm. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là gì, thưa Thứ trưởng?

Nhìn lại ba năm qua, việc tái cơ cấu tập đoàn đúng là còn chậm so với dự kiến, đặc biệt là phát triển sản xuất và tái cơ cấu tài chính. Việc khoanh nợ, giãn nợ gặp rất nhiều vướng mắc.

Khó khăn của Vinashin có nhiều, trong đó thị trường là yếu tố quyết định. Nhưng ba năm qua, đóng tàu thế giới tiếp tục suy giảm, xấu hơn dự báo. Thị trường trong nước cũng bị thu hẹp do  tăng trưởng kinh tế suy giảm,  chính sách thắt chặt tiền tệ, đầu tư công để kiềm chế lạm phát…  Bên cạnh đó, căn cứ pháp lý, cơ chế chính sách còn thiếu, chưa đồng bộ để thực hiện tái cơ cấu một tập đoàn kinh tế. Nguồn tài chính để tái cơ cấu, nhất là để xử lý nợ của tập đoàn rất hạn hẹp, huy động vốn cho sản xuất kinh doanh cũng rất khó…

Vậy tình hình trả nợ của Vinashin hiện nay ra sao, đặc biệt là khoản 600 triệu USD nợ trái phiếu Chính phủ?

Về tái cơ cấu tài chính, khoản trái phiếu quốc tế Chính phủ vay về cho tập đoàn vay lại sẽ thực hiện theo hình thức mua lại nợ, phát hành trái phiếu để đảo nợ và các hình thức phù hợp khác. Riêng các khoản nhận nợ bắt buộc do chủ tàu nước ngoài hủy hợp đồng và vay nước ngoài khác thì thực hiện mua lại với mức tối đa bằng 30% giá trị khoản nợ.

Đối với các khoản nợ còn lại của các tổ chức tín dụng trong nước, Vinashin sẽ đàm phán để mua lại nợ, phát hành trái phiếu doanh nghiệp để hoán đổi, giảm nghĩa vụ nợ, lãi suất cũng như kéo dài thời gian chi trả.

Theo đề án tái cơ cấu, Vinashin sẽ cắt giảm 14.000 lao động, tương đương hơn một nửa nhân lực hiện tại. Vậy giải quyết công ăn việc làm và chế độ cho những lao động này như thế nào, nhất là khi các công ty thành viên đang nợ bảo hiểm xã hội?

Về nguyên tắc, tái cơ cấu lao động sẽ dựa vào tay nghề, bậc thợ, tuổi phù hợp. Sau đó sẽ từng bước nâng cao tay nghề trình độ chuyên môn, đổi mới quản trị doanh nghiệp, tăng năng suất, hiệu quả. Vừa qua, đối với các đơn vị chuyển nhượng, bán, cổ phần hóa, sáp nhập, ngoài số lao động nghỉ việc sẽ được giải quyết chế độ theo đúng quy định, số còn lại sẽ tiếp tục được sử dụng tại doanh nghiệp. Về cơ bản, họ vẫn tiếp tục có việc làm.

Đối với nhóm các đơn vị thuộc diện giải thể, phá sản người lao động sẽ được giải quyết chế độ theo từng nhóm phù hợp với quy định. Chi phí giải quyết chế độ cho người lao động sẽ được Chính phủ tạm ứng chi trước và sẽ thu hồi sau từ nguồn thanh lý tài sản, bán doanh nghiệp.

Ngành vận tải biển thế giới chưa phục hồi. Tốc độ tái cơ cấu của bản thân doanh nghiệp cũng bị đánh giá là chậm. Thứ trưởng nhận định như thế nào về cơ hội để Vinashin tồn tại và phát triển?

Vinashin vẫn đang khẩn trương thực hiện tái cơ cấu ở nhiều hạng mục, trong đó có việc rà soát lại toàn bộ các dự án đã đầu tư, chỉ giữ lại ba lĩnh vực chính được xác định là đóng mới, sửa chữa và phát triển nhân lực ngành đóng tàu. Các dự án, doanh nghiệp còn lại đều có phương án bán, chuyển nhượng, cổ phần hóa để sớm thu hồi vốn, tập trung cho sản xuất – kinh doanh và trả nợ.

Kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu hồi phục khả quan, trong nước cũng còn khó khăn, nhưng theo tôi, nếu kiên trì các mục tiêu đề ra, duy trì năng lực, đáp ứng được nhu cầu đóng, sửa chữa…, Vinashin cũng như ngành đóng tàu có thể tiếp tục phát triển, phục vụ nhu cầu trong và ngoài nước khi thị trường hồi phục.

(Nguồn cokhivietnam.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin