Phòng nghiên cứu quốc gia Argonne thuộc Bộ Năng lượng Mỹ vừa cho ra mắt công nghệ làm cứng bề mặt kim loại mới với tiềm năng tiết kiệm đến 90% năng lượng so với các giải pháp thông thường.
Nhóm đã sử dụng bột boron – nguyên tố thứ năm trong bảng tuần hoàn hóa học Mendeleev và một hệ thống lò nung có hai cực âm dương giống như thiết kế của một cục pin thông thường. Trong quá trình vận hành lò, bột boron sẽ được làm nóng đến 1.800oC. Đồng thời, một lực điện tích sẽ được tạo ra để kích thích quá trình thành lớp phủ boron trên bề mặt kim loại diễn ra nhanh hơn.
Kết quả, thay vì mất 10 giờ để mạ như các công nghệ thông thường, phương pháp mới này chỉ mất chưa đầy 30 phút để tạo nên lớp phủ dày 100 micromet. Việc giảm được 9,5 giờ đồng hồ giúp tiết kiệm lượng điện lên tới 90% so với trước đây và cải thiện chất lượng mạ. Mặt khác, công nghệ mới này còn mở ra khả năng thay thế titan, vốn cũng là một loại vật liệu mạ được ưa chuộng song lại rất đắt tiền.
Với sáng chế có tính đột phá này, nhóm nghiên cứu tại phòng nghiên cứu quốc gia Argonne đã được Bộ Năng lượng Mỹ vinh danh và tiếp tục cung cấp nguồn tài trợ để sớm triển khai ở quy mô công nghiệp.
(Nguồn: tietkiemnangluong.com.vn)