Hội chợ CeBIT 2016 – sự kiện thường niên lớn nhất và quan trọng nhất thế giới trong ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông sẽ mở cửa tại trung tâm hội chợ Hannover, tp. Hannover, CHLB Đức từ ngày 14-18/03/2016. Nhằm giúp Quý vị có cái nhìn rõ nét hơn tại sự kiện này, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu một số chủ đề quan trọng của CeBIT 2016 tại technologyMag.net
Hãy theo dõi và chia sẻ thông tin cho các đối tác và đồng nghiệp của Quý vị, để cùng nắm bắt những xu hướng phát triển của ngành công nghệ thông tin và truyền thông của thế giới, khu vực và thúc đẩy sự tiếp cận và phát triển của ngành tại Việt Nam. Thông tin chi tiết và cập nhật về CeBIT, Quý vị có thể tham khảo trực tiếp tại www.cebit.de
Để xem loạt tin bài liên quan đến CeBIT 2016, hãy nhấn vào đây
Chính phủ Liên bang Đức muốn hạn chế thanh toán bằng tiền mặt tới 5.000 Euro. Các nhà bán lẻ đang hưởng ứng nhiệt liệt. Tại sao vậy? Trong thời đại của thương mại di động này, dù sao thì hầu hết mọi người cũng đều thanh toán bằng kỹ thuật số, và việc đích thân đi mua sắm đang nhường chỗ cho xu hướng mua qua mạng. Điều này một phần là nhờ sự đổi mới liên tục trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Một nghiên cứu của IPSOS về thương mại di động cho thấy rằng thương mại di động đang phát triển nhanh hơn gấp ba lần so với thương mại điện tử cổ điển. Con số này không có gì đáng ngạc nhiên vì hiện nay hơn 2 tỷ người đang sở hữu điện thoại thông minh. Con số này sẽ tăng đến 2,5 tỷ vào năm 2018 và sẽ thay đổi cách chúng ta sử dụng công nghệ thông tin.
Các nhà bán lẻ trực tuyến bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của xu hướng thương mại di động khi ngày càng ít người mua hàng bằng cách vào trang web mà thay vào đó là cài đặt ứng dụng mua hàng. Chỉ tính riêng trong năm 2014, doanh thu từ thương mại di động trên amazon.com đã tăng 110% đến 16,8 tỷ đô-la Mỹ. Con số này cũng đưa đặt hàng qua điện thoại di động đứng đầu trong ngành bán lẻ trực tuyến, tiếp theo là Apple với 14 tỷ đô-la Mỹ. Các hệ thống thanh toán ngày càng đơn giản và an toàn chắc chắn là một trong những lý do cho sự gia tăng này. Bên cạnh những nhà tiên phong như PayPal, nhiều ứng dụng khác hiện nay đã giành được thị phần trên thị trường, cho phép các công ty tích hợp chúng trong cửa hàng trực tuyến hoặc ứng dụng thương mại điện tử của mình thông qua API (*). Google Wallet và Apple Pay chỉ là hai trong số những giải pháp nổi tiếng nhất hiện nay.
Bạn có biết rằng giá trị trung bình của một giỏ hàng được đặt hàng bằng điện thoại thông minh là 96 đô-la Mỹ, trong khi các giỏ hàng được đặt bằng một máy tính bảng là 132 đô-la Mỹ (theo internet retailer) ? Màn hình lớn hơn làm cho mọi người mua nhiều hơn – vì sản phẩm nhìn đẹp hơn? Đó là một thống kê đơn giản, nhưng có thể giúp ích cho các nhà bán lẻ trong việc phát triển ứng dụng riêng của họ. Nó chỉ ra rằng các ứng dụng được tối ưu hóa cho máy tính bảng sẽ đem lại nhiều lợi nhuận hơn so với các ứng dụng phổ thông dùng chung cho tất cả các thiết bị di động.
Thương mại di động kết hợp với tư vấn cá nhân Trong quá khứ, thương mại điện tử thường là giao tiếp một chiều. Khách hàng lựa chọn sản phẩm, thêm chúng vào giỏ mua hàng của họ, thanh toán và xong. Điểm bất lợi là bất cứ ai không tìm được sản phẩm phù hợp với mình sẽ không được tư vấn. Bạn chỉ có thể nhận được lời khuyên của nhân viên tại các cửa hàng bán lẻ cổ điển. Nhưng bây giờ, một xu hướng mới đang dần dẫn đầu trên nền điện thoại thông minh: conversational commerce.
Conversational commerce đòi hỏi phải tích hợp các dịch vụ nhắn tin như WhatsApp trong một kênh mua sắm di động. Khách hàng soạn một tin nhắn ngắn giải thích những gì họ muốn, và một nhân viên dịch vụ khách hàng sẽ gửi đề nghị về sản phẩm phù hợp tới điện thoại của họ. Đối với các công ty như Outfittery, công nghệ này rất thích hợp cho mô hình kinh doanh của họ, vì nhà bán lẻ quần áo này kết hợp các lời khuyên về trang phục cá nhân với hình thức kinh doanh đặt hàng trực tuyến. Bằng cách hỏi “tôi có thể mặc gì cho buổi hẹn vào ngày mai?”, người mua có thể tìm thấy những gì họ muốn nhanh hơn nhiều so với cách tìm kiếm thông thường.
Facebook hiện đang mở rộng dịch vụ tin nhắn riêng “M” của họ, một trong những lý do là để tích hợp các dịch vụ giá trị gia tăng như trên tốt hơn. Nó sẽ không chỉ cho phép các nhà bán lẻ gửi liên kết đến sản phẩm của họ cho khách hàng, mà còn có thể sẽ tích hợp một giao diện mua sắm. Facebook muốn làm cho hệ thống trở nên tiện lợi hơn, trong khi tăng mức độ tự động hóa. Và dĩ nhiên, khi đó, các nhân viên dịch vụ khách hàng cũng không còn cần thiết. Một thuật toán khuyến nghị có thể hoạt động với chức năng tương tự.
Thuật toán tự mua hàng đang được phát triển nhanh chóng Trong thực tế, trí tuệ nhân tạo sẽ rất quan trọng nếu sự bùng nổ trong thương mại di động kéo dài. Các “trợ lý” di động như Cortana của Microsoft, Siri của Apple hay Google Now có thể sớm tự đưa ra quyết định mua hàng dựa trên hành vi và sở thích của chúng ta. Nếu chúng ta tin vào ước tính của các nhà nghiên cứu thị trường tại Gartner, điều này sẽ tạo ra doanh thu hàng năm trị giá 2 tỷ đô-la Mỹ từ năm 2018 trở đi. Sau này, nói với Siri những câu như “hãy đặt mua một cuốn truyện hấp dẫn” có thể là tất cả những gì bạn phải làm để nhận được cuốn sách yêu thích của mình trong hộp thư vào ngày hôm sau.
“Điểm nóng” dành cho các nhà bán lẻ Thị trường thương mại di động đang phát triển nhanh chóng, và những sáng tạo trong công nghệ thông tin đang tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho nhiều công ty. CeBIT sẽ đem lại một cái nhìn tổng quan về các công nghệ này. Trong Sảnh 5, các chuyên gia sẽ thảo luận về tương lai của ngành bán lẻ, trong khi các giải pháp tiên phong để tiếp thị và bán hàng sẽ là trọng tâm ở Sảnh 4.
Để xem loạt tin bài liên quan đến hội chợ CeBIT 2016, hãy nhấn vào đây
(Nguồn: www.cebit.com – Deutsche Messe AG)
Chú thích: (*) API: (Application Programming Interface) giao diện lập trình ứng dụng, là một giao diện mà một hệ thống máy tính hay ứng dụng (bên A) cung cấp để cho phép các yêu cầu dịch vụ có thể được tạo ra từ các chương trình máy tính khác (bên B), và/ hoặc cho phép dữ liệu có thể được trao đổi qua lại giữa hai bên. Chẳng hạn, một chương trình máy tính có thể (và thường là phải) dùng các hàm API của hệ điều hành để xin cấp phát bộ nhớ và truy xuất tập tin.