Hội chợ CeBIT 2017 – sự kiện thường niên lớn nhất và quan trọng nhất thế giới trong ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông sẽ mở cửa tại trung tâm hội chợ Hannover, tp. Hannover, CHLB Đức từ ngày 20-24/03/2017. Nhằm giúp Quý vị có cái nhìn rõ nét hơn tại sự kiện này, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu một số chủ đề quan trọng của CeBIT 2016 tại technologyMAG.net
Hãy theo dõi và chia sẻ thông tin cho các đối tác và đồng nghiệp của Quý vị, để cùng nắm bắt những xu hướng phát triển của ngành công nghệ thông tin và truyền thông của thế giới, khu vực và thúc đẩy sự tiếp cận và phát triển của ngành tại Việt Nam. Thông tin chi tiết và cập nhật về CeBIT, Quý vị có thể tham khảo trực tiếp tại www.cebit.com
Hiện này ngày càng có nhiều doanh nghiệp ứng dụng mô hình điện toán đám mây vào các hoạt động kinh doanh vì nhận ra được các lợi ích to lớn do công nghệ này mang lại.
Hosting (dịch vụ lưu trữ và duy trì website)
Hiện nay mô hình điện toán đám mây trở nên ngày càng phổ biến tại các doanh nghiệp Đức. Càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ trực tuyến sử dụng cơ sở hạ tầng của các điện toán đám mây, để hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh của mình. Nhà cung cấp phần mềm Prestashop vừa cho ra mắt một giải pháp phần mềm hỗ trợ quản lý các website thương mại điện tử ngay trên nền tảng các đám mây. Phần mềm hiện có sẵn trên thị trường dựa trên nền tảng đám mây Microsoft Azure, giúp hỗ trợ việc tái cấu hình cơ sở hạ tầng. Phần mềm Prestashop nhắm đến các công ty cần phải xử lý một khối lượng giao dịch lớn trong một khoảng thời điểm nhất định, và cần nhanh chóng phản hồi khách hàng trong giờ cao điểm. Ông Corinne Lejbowicz, Giám đốc điều hành của Prestashop cho biết: “Một trong những mối quan tâm chính của các nhà bán lẻ khi họ mở rộng kinh doanh trực tuyến là hiệu suất mà các cửa hàng của họ đạt được”.
Theo ông Hagen Meischner, Giám đốc Prestashop tại Đức nói thêm rằng, các doanh nghiệp đều muốn đạt được sự linh hoạt hay tính sẵn có từ các dịch vụ điện toán đám mây Azure của Microsoft. Các hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) mà các doanh nghiệp đang sử dụng có vị trí gần doanh nghiệp hơn, điều này giúp các doanh nghiệp quốc tế có thể cải thiện thời gian tải trang web của mình. Ông Meischner tin rằng, sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ của các dịch vụ điện toán đám mây trong thời gian sắp tới. Câu lạc bộ bóng đá Pháp, Olympique Lyon là một trong những khách hàng đầu tiên sử dụng dịch vụ của Prestashop, để bán vé và đồ lưu niệm của mình trên Microsoft Azure.
Magento là một giải pháp phần mềm thương mại điện tử khác, chạy trên cơ sở hạ tầng của Amazon Web Services (AWS). Nhà cung cấp phần mềm Plentymarkets tại Đức hiện đang sử dụng cơ sở hạ tầng điện toán đám mây của Amazon để kinh doanh từ năm 2015. Nhằm để theo kịp nhu cầu của khách hàng, Plentymarkets buột phải quyết định lựa chọn giữa nhà cung cấp hosting truyền thống hay dịch vụ Amazon Web Services. Sự lựa chọn chuyển sang áp dụng mô hình điện toán đám mây sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm một số tiền đáng kể, đồng thời cũng giúp công việc kinh doanh của doanh nghiệp trở nên linh hoạt hơn.
Điện toán đám mây mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp
Do nhu cầu của khách hàng và các xu hướng công nghệ thay đổi liên tục, đòi hỏi các nhà bán lẻ trực tuyến cũng cần có những sự đổi mới. Cơ sở hạ tầng CNTT là một nền tảng cốt lõi để cho các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến phát triển. Việc quản lý các cửa hàng bằng các đám mây sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện được tình trạng quá tải do lượng truy cập tăng cao. Bên cạnh đó độ tin cậy và an toàn cũng được bảo đảm, việc thanh toán cũng dựa trên trên nền tảng cơ sở hạ tầng đám mây mà doanh nghiệp sử dụng. Công ty Crisp Research phân tích tin rằng, với tốc độ phát triển của mô hình điện toán đám mây như hiện nay sẽ tạo cho họ một nền tảng tốt, để phát triển kinh doanh thương mại điện tử. Theo cuộc nghiên cứu cũng có nhận định rằng: “Các công ty thương mại điện tử sẽ ngày càng chuyển sang ứng dụng mô hình điện toán đám mây, để duy trì năng lực cạnh tranh về những cơ sở hạ tầng, hệ thống an ninh hay những ứng dụng văn phòng”.
Một lý do mà các công ty vẫn còn do dự khi chuyển sang sử dụng dịch vụ điện toán đám mây là do những mối lo ngại về các vấn đề an ninh. Những cuộc khảo sát một lần nữa cho thấy rằng, các công ty không kiểm soát được nơi họ lưu trữ các dữ liệu quan trọng, hay những người có thể truy cập nó. Mối lo lắng này được dấy lên kể từ vụ bê bối của Cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA). Các trung tâm dữ liệu của Đức đã cho thấy những ưu điểm vượt trội của họ so với các nhà cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây lớn của Mỹ, khi các công ty Đức tuân thủ nghiêm ngặt các luật lệ về bảo vệ dữ liệu tại Đức và châu Âu thì các nhà cung cấp của Mỹ mới bắt đầu có dấu hiệu phản ứng gần đây.
Trung tâm cơ sở dữ liệu địa phương
Trong tháng 10 năm 2014, Amazon Web Services mở thêm một cơ sở hạ tầng tại Frankfurt, Đức. Các đám mây Amazon được trải rộng khắp trên mười hai khu vực địa lý khác nhau trên toàn thế giới. Tại mỗi khu vực AWS có từ hai đến năm cơ sở hạ tầng cùng với một hay nhiều trung tâm dữ liệu. Frankfurt là khu vực lắp đặt cơ sở hạ tầng thứ hai tại châu Âu, sau khi AWS đã hoạt động ở Dublin, Ireland từ năm 2007. Hiện Amazon đang lên kế hoạch trong năm nay lập thêm một cơ sở hạ tầng tại London, Anh.
Cách đây mười năm, Amazon Web Services hoạt động như một công ty cung cấp dịch vụ lưu trữ. Tính cho đến hiện tại Amazon đã cung cấp hơn 70 dịch vụ khác nhau bao gồm: dịch vụ lưu trữ, điều hành và phân tích cơ sở dữ liệu, và cung cấp máy chủ cho các ứng dụng trên di động và phần mềm cho các doanh nghiệp. Theo báo cáo quý đầu năm, AWS đã đạt được khoản doanh thu 2.6 tỷ USD. Theo báo cáo của The German Internet Business 2015 – 2019 thì AWS hiện là nhà cung cấp dịch vụ đám mây công cộng hàng đầu tại CHLB Đức với 30% thị phần.
Microsoft phụ thuộc vào các trung tâm dữ liệu của địa phương
Microsoft cũng đưa ra các dịch vụ đám mây trực tuyến như Azure, Office 365 hay Dynamics CRM chạy trên các trung tâm dữ liệu tại Biere và Frankfurt, CHLB Đức. Việc trao đổi dữ liệu giữa hai trung tâm dữ liệu sẽ chạy trên một đường truyền tách biệt với mạng Internet, để đảm bảo rằng tất cả các dữ liệu luôn được lưu trữ trong khu vực nước Đức. Mọi người thường gọi đây là đám mây Đức. Đối tượng mà nó nhắm đến là các tổ chức và công ty thuộc lĩnh vực cần sử dụng các dữ liệu nhạy cảm, chẳng hạn như các lĩnh vực tài chính và chăm sóc sức khỏe. T-systems là công ty con của hãng Deutsche Telekom (Đức), được ủy thác để kiểm soát kho dữ liệu và điều khiển quyền truy cập các khách hàng vào dữ liệu.
Bước đột phá của công nghệ điện toán đám mây
Các công ty của Đức hiện tại đã có thể tự quản lý các ứng dụng CNTT vì các lý do bảo mật và an ninh, đồng thời cũng có thể dễ dàng chia sẻ nguồn tài nguyên cho các nhân viên của họ thông qua hệ thống mạng nội bộ. Nghiên cứu “Cloud Monitor 2016” của Bitkom Research và công ty tư vấn KPMG đã tiết lộ rằng có đến 54% số công ty tại Đức đã sử dụng dịch vụ lưu trữ, hay các phần mềm tính toán từ các đám mây.
Không phải chỉ những công ty lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang chuyển một phần hay toàn bộ cơ sở hạ tầng CNTT của họ sang những đám mây, hay sử dụng các ứng dụng phần mềm dựa trên đám mây vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ông Axel Pols, giám đốc điều hành của Research Bitkom cho biết: “Năm 2016 là năm đột phá của công nghệ điện toán đám mây, các công ty đã nhìn thấy rõ những lợi ích mà cơ sở hạ tầng CNTT mang lại.”
Dịch vụ hosting trên mô hình điện toán đám mây
Ông Carlo Velten, Giám đốc điều hành của Crisp Research cũng có đề cập: “Mô hình quản lý các đám mây công cộng đang được xem là một xu hướng phát triển mới, các công ty có thể thuê ngoài để các nhà cung cấp dịch vụ quản lý các cơ sở hạ tầng hay các ứng dụng trên các đám mây.
1&1 là một công ty cung cấp dịch vụ hosting thông qua nền tảng đám mây. Ông Robert Hoffmann, giám đốc điều hành của 1&1 cho biết: “Thách thức của công ty hiện nay là làm thế nào để thuyết phục khách hàng về những lợi ích mà điện toán đám mây mang lại. Điều này chỉ có thể đạt được nếu công ty đề ra được những giải pháp điện toán đám mây có hiệu suất cao, an toàn và dễ sử dụng cho khách hàng”. Ông Robert Hoffmann tin rằng mô hình điện toán đám mây sẽ tạo nên sự kết nối trong công việc kinh doanh giữa nhân viên với công ty, giữa nhân viên và khách hàng, đây sẽ là một yếu tố quyết định cho sự thành công của các doanh nghiệp trong tương lai.
Để xem loạt tin bài khác liên quan đến CeBIT 2017, hãy nhấn vào đây
(Nguồn: Cebit/ www.cebit.com)