Một tòa án quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc (United Nations) đã đưa ra phán quyết đầu tiên cho thấy các quốc gia có nghĩa vụ phải thực hiện mọi hành động cần thiết để ngăn chặn ô nhiễm biển gắn liền với phát thải khí nhà kính. Mặc dù không có tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng các nhà hoạt động môi trường vẫn ca ngợi đây là một quyết định sâu sắc sau khi hiệp ước High Seas Treaty (tạm dịch là ‘Bảo tồn Biển khơi’) của Liên Hiệp Quốc được thông qua vào tháng 6/2023 và là một bước nữa nhằm buộc các chính phủ phải ứng phó với tác hại của biến đổi khí hậu.
Vụ việc được Ủy ban các quốc đảo nhỏ về biến đổi khí hậu và luật pháp quốc tế (Commission of Small Island States on Climate Change and International Law) đưa ra trước Tòa án quốc tế về luật biển – ITLOS (International Tribunal for the Law of the Sea). Nỗ lực này được dẫn đầu bởi các quốc đảo Tuvalu ở Thái Bình Dương và Antigua và Barbuda thuộc vùng biển Caribe. Các quốc đảo nhỏ từ lâu đã lập luận rằng họ đang đi đầu trong vấn đề biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao và những thay đổi về nhiệt độ đại dương. Họ đã giữ vững lập trường tại các cuộc họp khác như Tổ chức Hàng hải Quốc tế (International Maritime Organization).
Tòa án ITLOS cho biết các quốc gia thành viên có nghĩa vụ hành động để ngăn chặn tác động của khí nhà kính đối với đại dương
Ủy ban đã đến tòa án ITLOS vào tháng 12/2022 để yêu cầu tòa án ra phán quyết về nghĩa vụ cụ thể của các bên tham gia Hiệp ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Seas). Tổng cộng có 169 quốc gia thành viên tham gia hiệp ước, nhưng không có Mỹ. Tòa án ITLOS là cơ quan tư pháp độc lập được thành lập theo Hiệp ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Tòa có thẩm quyền đối với mọi tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng hiệp ước và các tranh chấp liên quan đến các vấn đề như phân định các vùng biển, hàng hải và bảo tồn.
Vụ việc này đặc biệt yêu cầu Tòa án ra phán quyết về nghĩa vụ bảo tồn, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển do biến đổi khí hậu. Họ trích dẫn các vấn đề như sự nóng lên của đại dương, mực nước biển dâng và axit hóa đại dương do phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, họ yêu cầu ra phán quyết về nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn môi trường biển.
Ban hội thẩm đã nhất trí quyết định rằng họ có thẩm quyền theo Hiệp ước Liên Hiệp Quốc và hoàn toàn đứng về phía các quốc đảo nhỏ. Đọc ý kiến, Thẩm phán Albert Hoffman của Nam Phi trích dẫn các điều khoản của hiệp ước bắt buộc các quốc gia thành viên phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ngăn ngừa, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm biển, trong đó có khí thải GHG (1). Ông cho biết họ nhận thấy các bên tham gia hiệp ước có nghĩa vụ cụ thể trong việc áp dụng luật và quy định liên quan đến việc ngăn ngừa ô nhiễm biển. Các quốc gia thành viên cũng được yêu cầu thực thi luật pháp và quy định để ngăn ngừa ô nhiễm. (1) GHG (Green House Gas): Khí nhà kính là những khí có khả năng hấp thụ các bức xạ sóng dài (hồng ngoại) được phản xạ từ bề mặt Trái đất khi được chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời, sau đó phân tán nhiệt lại cho Trái đất, gây nên hiệu ứng nhà kính.
Các luật sư của quốc đảo Tuvalu ca ngợi phán quyết và nói rằng đó là điều họ yêu cầu trong khi đại diện của quần đảo Bahamas cho biết “các đại dương có thể thở phào nhẹ nhõm”. Ví dụ, các quốc đảo Antigua và Barbuda đã lập luận trước tòa rằng mực nước biển dâng cao có nghĩa là trong một đến hai thế hệ tiếp theo, quê hương của họ có thể bị nhấn chìm. Một số quốc đảo đã chỉ ra sự biến mất dần đất đai do nước biển dân lên.
Đây là vụ đầu tiên trong số nhiều vụ việc hiện đang chờ xử lý trước hệ thống pháp luật quốc tế và một vụ khác sẽ được đưa ra trước Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice). Tòa án Nhân quyền Châu Âu (European Court of Human Rights) đã ra phán quyết rằng EU có nghĩa vụ pháp lý phải thực hiện các bước để bảo vệ khỏi tác động của biến đổi khí hậu.
Các quốc đảo nhỏ hơn dự kiến sẽ tiếp tục nỗ lực, bao gồm cả việc thúc ép Tổ chức Hàng hải Quốc tế – IMO (International Maritime Organization) thực hiện nhiều hành động hơn. Họ đang yêu cầu hành động nhanh hơn khi các quy định về môi trường được xây dựng cho vận tải biển và các phân khúc khác nhằm ứng phó với lượng khí thải và mối đe dọa đối với môi trường thế giới.
Để xem các tin bài khác về “Biến đổi khí hậu”, hãy nhấn vào đây.
Nguồn: Maritime Executive