UBND TPHCM vừa chỉ đạo Ban Quản lý các KCX, KCN (HEPZA) nghiên cứu thành lập 2 khu công nghiệp (KCN) phụ trợ tập trung tại KCN Hiệp Phước và Lê Minh Xuân. Thế nhưng, không ít chuyên gia cho rằng, giá trị sản phẩm được cấu thành từ chất xám, nếu chúng ta tập trung vào sản xuất sản phẩm phụ trợ (bù lon, ốc, vít…) thì liệu sẽ biến KCN phụ trợ thành nơi chuyên gia công, không mang lại giá trị lợi nhuận cao… Do vậy, phải xây thế nào, sản xuất cái gì, đáp ứng được gì cho doanh nghiệp… là bài toán khó, cần lời giải.
KCN phụ trợ tập trung
Khi Samsung đặt hàng sản phẩm phụ trợ, TP mới thấy rằng các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ của TP nhỏ lẻ, nằm rải rác trong khu dân cư, không có kết nối sản xuất. Nếu để doanh nghiệp FDI phải nhập khẩu các thiết bị, làm tăng chi phí sản xuất thì sẽ không hấp dẫn được nhà đầu tư về môi trường và điều kiện kinh doanh. Do vậy, lãnh đạo TP cho rằng, xây dựng KCN phụ trợ cũng có nghĩa là tạo ra cơ sở vật chất tốt để thu hút vốn FDI.
Dây chuyền sản xuất sản phẩm phụ trợ ở KCN Hiệp Phước
Không chỉ riêng Samsung, rất nhiều doanh nghiệp FDI than thở thiếu vùng nguyên liệu về công nghiệp phụ trợ để phục vụ nhu cầu của họ. Ông Yataka Watanabe, Tổng Giám đốc Công ty Towa (chuyên sản xuất linh kiện máy móc trong ngành xây dựng) nói rõ, TP cần hỗ trợ để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sản xuất các linh phụ kiện của công ty. Thời gian qua có nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia sản xuất linh kiện cho chúng tôi nhưng máy móc của họ quá lạc hậu, họ không có vốn để đầu tư máy móc, nên không đáp ứng yêu cầu. Chính vì vậy, ông mong muốn TPHCM hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư máy móc thiết bị, doanh nghiệp FDI sẽ hỗ trợ về kỹ thuật để sản xuất linh kiện phụ trợ nhằm tiết giảm chi phí, vì đỡ phải đưa qua các nước khác gia công. Ông Yasuzumi Hirotaka, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM cho biết, doanh nghiệp Việt Nam tham gia sản xuất linh kiện cung cấp cho các nhà đầu tư Nhật chỉ 14%, thấp hơn với các nước trong khu vực Đông Nam Á (21%). Do vậy, ông mong muốn TPHCM hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện tham gia sản xuất công nghiệp phụ trợ.
Đáp ứng yêu cầu này, trong lần tiếp xúc với doanh nghiệp FDI năm 2015, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cam kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI để nâng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm của doanh nghiệp FDI.
Kết nối sản xuất – phụ trợ
Ông Bùi Quang Hải, Phó Chủ tịch Hội cơ khí TP, Phó Trưởng đại diện Hiệp hội Cơ khí Việt Nam tại phía Nam khẳng định, lẽ ra Việt Nam phải phát triển công nghiệp phụ trợ từ lâu rồi. Vì làm chậm trễ nên bây giờ thua các nước lân cận như Thái Lan, Philippines. Nếu chúng ta không thể sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh thì phải đẩy mạnh sản xuất chi tiết sản phẩm. Thử nhìn lại, nếu ngành công nghiệp phụ trợ ô tô phát triển thì ngành sản xuất ô tô đâu khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, để giải quyết yêu cầu này, chính quyền phải giải quyết bài toán cho các doanh nghiệp nhỏ lẻ, không đủ vốn vào KCN, không đủ trình độ, máy móc, không đáp ứng yêu cầu công nghệ… bằng những chính sách hỗ trợ cụ thể.
Ông Vương Hữu Mẫn, Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Hiệp Phước cho biết, thấy rõ nhu cầu sản phẩm công nghiệp phụ trợ của các doanh nghiệp FDI nên Hiệp Phước đã dành 200ha phục vụ cho các doanh nghiệp phụ trợ. Đây là khu nằm gần trung tâm, có hệ thống cảng biển thuận tiện cho doanh nghiệp xuất khẩu. Thế nhưng, với chi phí đầu tư hạ tầng hiện nay, giá cho thuê đến 95 – 100 USD/m², với mức giá này doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể nào thuê nổi. Do vậy, để có được mức giá phù hợp với khả năng của doanh nghiệp (giá thuê khoảng 55 – 60 USD/m²) thì thành phố phải hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng cầu đường… Ngoài ra, giúp doanh nghiệp tồn tại và đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp phụ trợ nước ngoài – được vay vốn của chính phủ họ với lãi suất thấp (chẳng hạn Nhật Bản cho vay với lãi suất chỉ 1%) – thì Nhà nước Việt Nam cần có nhiều chính sách ưu đãi về lãi suất, thuế cho doanh nghiệp tham gia sản xuất công nghiệp phụ trợ.
Dự kiến, KCN phụ trợ Hiệp Phước sẽ quy hoạch nhiều nhà xưởng với diện tích nhỏ phù hợp với khả năng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi hoàn thành hạ tầng, khu này sẽ ưu tiên cho các doanh nghiệp phụ trợ các nhóm ngành được TP ưu tiên như cơ khí, điện – điện tử, nhựa – cao su – chất dẻo, chế biến thực phẩm. Nếu các doanh nghiệp phụ trợ tập trung về một khu vực, KCN Hiệp Phước sẽ đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối, tạo điều kiện để các doanh nghiệp FDI gặp các nhà sản xuất sản phẩm phụ trợ để cùng hỗ trợ kỹ thuật và ký đơn đặt hàng. Khi KCN tập trung chuyên ngành ra đời, nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam sẽ được cung cấp danh sách các công ty cung cấp sản phẩm phụ trợ theo ngành, hàng… để họ lựa chọn. Đó chính là điểm mấu chốt thúc đẩy các doanh nghiệp FDI quyết định đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Để xem các tin bài khác về Tin tức – Sự kiện trong nước, hãy nhấn vào đây.
(Nguồn: Hàn Ni/ www.sggp.org.vn)