Hai công ty của Trung Quốc là GCL System Integration Technology và China National Complete Engineering Corporation (CCEC) đang có ý định đầu tư xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời trong khu vực loại trừ sinh hoạt xung quanh Chernobyl, nơi từng xảy ra sự cố nhà máy điện hạt nhân hồi năm 1986.
Mô hình sa bàn nhà máy điện mặt trời
Tính đến ngày 1/1/2017, Bộ Môi trường Ukraine đã nhận được đơn từ 39 công ty xin đặt cơ sở năng lượng tái tạo ở khu vực loại trừ sinh hoạt xung quanh Chernobyl. Trong số đó nổi bật nhất là GCL và CCEC với đề án xây dựng nhà máy điện mặt trời (NMĐMT) có công suất khoảng 1 GW. Các dự án của hai công ty Trung Quốc đang ở giai đoạn xem xét khu đất để làm cánh đồng pin năng lượng mặt trời. Trước đó, hai công ty này dự kiến rằng việc xây dựng nhà máy có thể bắt đầu trong năm 2017.
Trên thực tế, Ukraine cũng mong muốn tận dụng tối đa các nguồn lực ở khu vực loại trừ sinh hoạt quanh Chernobyl. Điều kiện để đặt NMĐMT trong khu vực Chernobyl là rất thuận lợi – mức năng lượng trung bình hàng năm của ánh nắng trong khu vực này là khoảng 1.300 kWh/m2, cao hơn nhiều so với con số tương ứng tại các địa điểm đặt NMĐMT ở Bắc Âu. Ngoài ra, để giảm bớt đầu tư cơ sở hạ tầng, có thể tận dụng đường dây tải điện của nhà máy điện hạt nhân trước đây mà đến nay vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn.
Cho đến nay, khu vực nhiễm xạ quanh Chernobyl vẫn không phù hợp cho các hoạt động kinh tế khác, vì vậy việc triển khai NMĐMT là vô cùng hợp lý. Chính phủ Ukraine dự định sử dụng khu vực này cho việc xây dựng các NMĐMT, có khả năng sản xuất 1,5 TWh/năm. Ủy ban quốc gia quản lý khu vực loại trừ sinh hoạt Chernobyl và Viện nghiên cứu phát triển Chernobyl đã lập dự án năng lượng mặt trời Chernobyl và đang mời gọi đầu tư. Đề án của hai công ty Trung Quốc được coi là hấp dẫn và khả thi hơn cả.
Để xem các tin bài khác về “Năng lượng sạch”, hãy nhấn vào đây.
(Nguồn: Petrotimes, Neftegaz)