Tuyến đường sắt xuyên biển đầu tiên nối liền châu Á và châu Âu lần đầu tiên sẽ hoạt động bắt đầu từ ngày 29/10.
Ý tưởng xây dựng một con đường nối liền hai bờ Âu – Á của eo biển Borphorus đã ra đời từ nửa cuối thế kỷ 19, dưới thời vua Abdul-Mejid. Tuy nhiên, chỉ bây giờ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ mới hiện thực hóa được “ước mơ của vua Abdul-Mejid.”
Marmaray là dự án chiến lược do liên doanh Thổ Nhĩ Kỳ – Nhật Bản thực hiện với tổng kinh phí khoảng 5 tỷ USD. Tuyến đường sắt xuyên này có tổng chiều dài 13,6km, trong đó chiều dài đoạn chạy ngầm đạt 1,4 km và nằm sâu 50m dưới đáy biển.
Vị trí tuyến đường sắt Marmaray, trong đó đường đứt đoạn là phần đi ngầm dưới đất và ngầm dưới đáy biển.
Dự án này được lên kế hoạch xây dựng cách đây chín năm, nhưng sau đó bị trì hoãn một thời gian dài do việc phát hiện ra những dấu tích khảo cổ quan trọng. Gần 40.000 hiện vật được tìm thấy trong quá trình xây dựng, trong đó có 30 xác tàu thuộc thời đại Byzantine.
Với khoảng 1,2 triệu lượt người qua lại hàng ngày theo ước tính của chính quyền, tuyến đường sắt chạy ngầm dưới lòng biển này sẽ rút ngắn đáng kể thời gian qua lại giữa hai phần lãnh thổ ở châu Âu và châu Á của Thổ Nhĩ Kỳ. Thời gian tàu hỏa chạy qua eo biển chỉ vài phút và tổng thời gian để hành khách đến được bờ bên kia được rút ngắn xuống chỉ còn không quá 1 giờ đồng hồ so với vài giờ hiện nay.
Marmarai được đánh giá không chỉ là dự án giao thông đơn thuần của Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn nối liền hệ thống giao thông đường sắt giữa hai lục địa Âu-Á xuyên suốt từ London (Anh) đến Bắc Kinh (Trung Quốc).
Tổng thống Abdullah Gul, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan cắt băng khánh thành đường ngầm trước sự chứng kiến của nguyên thủ nhiều nước đang có mặt tại Istanbul để dự lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ.
(Nguồn: baoduongsat.vn)