Thoạt nhìn, kênh đào và những âu tầu không có gì quá to tát đối với sức người và khoa học – kỹ thuật hiện nay. Nhưng việc xây dựng nó ở thời điểm cách đây hàng thế kỷ thật không đơn giản chút nào. Nhà hàng hải Cristophe Colombus đặt chân lên vùng đất mà nay là Panama năm 1502 và tám năm sau đó người Tây Ban Nha bắt đầu đến định cư. Người Tây Ban Nha đã sớm nhận ra lợi ích của việc mở một đường thủy giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương qua phần hẹp nhất của Trung Mỹ để rút ngắn hành trình của các con tàu. Năm 1534, Vua Carlos V của Tây Ban Nha đã ra lệnh khảo sát địa hình để đào một con kênh qua “cái eo” chỉ rộng 80km của châu Mỹ. Nhưng một công trình khổng lồ như vậy vượt quá khả năng của thời đó.
Một tàu chuyên chở RORO tại âu thuyền Miraflores (Miraflores locks)
Phần lớn tuyến kênh dài 80km không phải đào mà đi qua các hồ tự nhiên. Các con tàu qua được kênh là nhờ ba hệ thống âu tàu. Mỗi âu có hai làn kênh hoạt động như một thang máy bằng nước để nâng tàu lên độ cao 26 mét của mặt hồ Gatun, sau đó lại hạ tàu xuống mực nước biển của bờ bên kia. Phần lớn thời gian hành trình qua kênh, các tàu đều tự vận hành, nhưng khi qua các âu tàu, tàu được hỗ trợ thêm bởi bốn hoặc tám đầu máy xe lửa chạy bằng điện trên đường ray răng cưa. Để xây dựng con kênh này, người ta đã phải đào và di chuyển 152,9 triệu mét khối đất đá. Nếu vận chuyển khối lượng này trên tàu hỏa thì đoàn tàu dài bốn lần chu vi trái đất.
Hình ảnh kênh đào Panama
Hơn 100 năm nay, từng chiếc tàu vẫn xếp hàng qua kênh đào cả ngày lẫn đêm. Con đường hàng hải nhân tạo này mãi là niềm tự hào của người dân Panama.
Sau đây là đoạn video cận cảnh quá trình đưa tàu qua kênh đào Panama.
(Nguồn: baohaiquan.vn/ Youtube)