Sáng ngày 15 tháng 9, tại Hội nghị tổng kết thập niên chất lượng lần thứ hai (2006-2015), Thứ trưởng khoa học Trần Việt Thanh đánh giá, tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước từ mức không đáng kể lên 25% trong giai đoạn 2011-2015, dự kiến đạt mục tiêu trên 30% trong năm nay.
Thứ trưởng cũng lưu ý khi kết thúc giai đoạn một của chương trình, vẫn có những hạn chế cần khắc phục, như tiến độ xây dựng, phê duyệt dự án năng suất chất lượng của ngành, địa phương còn chậm. Một số dự án còn lúng túng trong việc triển khai các hoạt động cụ thể, thiếu sự chủ động của doanh nghiệp.
“Tôi tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu đề ra là tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Thanh nói và cho biết mục tiêu mới của thập niên chất lượng lần hai là tạo lập uy tín chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, khẳng định hơn nữa vai trò và tầm quan trọng của năng suất, chất lượng trong phát triển kinh tế.
Đánh giá so với năm 2005, năng suất lao động của Việt Nam đến năm ngoái đã tăng 1,5 lần, với tốc độ 3,5% mỗi năm, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng để phát triển bền vững, Việt Nam cần tập trung thúc đẩy năng suất thông qua khoa học công nghệ. “Ở Việt Nam, năng suất đóng góp vào tốc độ phát triển kinh tế so với thế giới còn khoảng cách khá xa, do đó cần đẩy nhanh”, ông Dũng nói.
Ông Trần Văn Vinh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, cho biết đến nay Việt Nam đã xây dựng và công bố 4.485 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), đưa tổng số tiêu chuẩn quốc gia hiện hành lên 8.800, tỷ lệ hài hòa với quốc tế và khu vực là 45%.
Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ xây dựng được 6.000 TCVN, 60% TCVN của hệ thống quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Dự kiến 60.000 doanh nghiệp được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, các mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng. Đóng góp của TFP vào GDP dự kiến đạt khoảng 35% vào năm 2020.
Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020, định hướng về khoa học và công nghệ trong chiến lược quốc gia đã chỉ rõ hướng trọng tâm hoạt động khoa học, công nghệ vào phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển theo chiều sâu, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
(Nguồn: vnexpress.vn)