Tiến sĩ Lưu Phương Minh – chủ nhiệm bộ môn Thiết bị và công nghệ vật liệu cơ khí, khoa Cơ khí trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết lần đầu tiên tại Việt Nam, nhóm các nhà khoa học của khoa và nghiên cứu sinh Mai Đăng Tuấn, trường Cao đẳng nghề Vĩnh Long, đã nghiên cứu và làm chủ được công nghệ hàn ma sát, công nghệ hàn được sử dụng trong hàn cánh máy bay, hàn các loại tàu ngầm cao cấp ở các nước phát triển
Công nghệ hàn ma sát có ưu điểm nổi bật như không dùng nguồn nhiệt ở ngoài (rất đảm bảo với môi trường, không có chất gây cháy, gây khói), tổ chức của vật liệu đồng nhất, cơ tính của múi hàn rất cao (không khác xa nhiều so với vật liệu cơ sở), múi hàn đẹp… Công nghệ hàn ma sát được các nước phát triển sử dụng để sản xuất trong các ngành hàng không, vũ trụ, kết cấu ôtô, sản xuất công nghệ cao.
Hiện nay tại Việt Nam, ngành cơ khí vẫn dùng phương pháp hàn truyền thống là hàn nung, chảy và hàn hồ quang. Hai phương pháp hàn truyền thống này có nhược điểm tạo ra múi hàn và tổ chức của múi hàn mang đặc tính đúc nên dễ bị xỉ, rỗ khí, cơ tính kém, hay đứt gãy ở múi hàn. Ngoài việc không được đẹp thì độ chắc của múi hàn cũng kém, vì vậy hầu như Việt Nam chưa thể đụng tới những ngành cơ khí công nghệ cao. Tiến sĩ Lưu Phương Minh cho biết với việc tìm được bảng thông số nguyên tắc của công nghệ hàn ma sát, nhóm nghiên cứu đang mong muốn có máy chuyên dụng để tiếp tục làm chủ thiết bị nhằm có thể nhận lời chuyển giao công nghệ cho các hoạt động công nghệ cao của ngành cơ khí Việt Nam như công nghiệp đóng tàu, công nghiệp ôtô…
(Nguồn cokhivietnam.vn)