Ông Bùi Văn Thịnh – Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, Giám đốc Công ty Phong Điện Thuận Bình – cho biết công ty sẽ xây dựng mô hình như vậy tại hội thảo phát triển điện gió ở Bình Thuận sáng 16-2.
Theo ông Bùi Văn Thịnh, Nhà máy Điện gió Phú Lạc giai đoạn 1 với 12 tuabin (công suất tối đa 24 MW/năm) đã đi vào hoạt động từ tháng 6-2016. Trong khuôn viên 400 ha, công ty đang tiếp tục đầu tư điện mặt trời với công suất khoảng 100 MW. Trong năm 2017, công ty tiếp tục đầu tư hạng mục đầu tiên với công suất 30 MW. Công ty cũng sẽ lập dự án phát triển mô hình trồng rau sạch, trang trại chăn nuôi gia súc trong khuôn viên dự án để phát triển du lịch sinh thái kết hợp tham quan điện gió, điện mặt trời.
Tuabin gió của Nhà máy Điện gió Tuy Phong. Ảnh: Minh Hải
Ông Bùi Văn Thịnh cho biết tiềm năng điện gió Việt Nam rất lớn. Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu đưa công suất nguồn điện gió từ 140 MW hiện nay lên 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.00 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000MW vào năm 2030. Tuy nhiên, việc phát triển điện gió tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.
Nhiều dự án đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận nhưng không thể triển khai do không vay được vốn. Nguyên nhân là ngành điện gió tại Việt Nam còn non trẻ, hạ tầng hỗ trợ kém, thiếu nhân sự chuyên môn. Quan trọng hơn, chi phí đầu tư cao nhưng giá mua điện gió tại Việt Nam chỉ khoảng 7-8 cent/KWh. Mức giá này thấp nhất khu vực, không đảm bảo cho dự án có lãi.
“Hiệp hội Điện gió Bình Thuận đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ điều chỉnh giá mua điện gió lên mức 9,5 cent/KWh, Chính phủ cũng đã cam kết đến cuối năm 2016 sẽ xây dựng giá mới cho năng lượng tái tạo nhưng đến nay quyết định này vẫn chưa được ban hành” – ông Thịnh cho biết.
Để xem các tin bài khác về năng lượng sạch, hãy nhấn vào đây.
(Nguồn: T.Nhân/ Cafef, Người lao động)