Nhà thiết kế Hàn Quốc Sung Jin Cho đã lập dự án xây dựng kết cấu cao ốc trôi nổi mang tên Seawer.
Đây là một cao ốc trôi nổi trên biển, có thể tự sản xuất điện bằng cách dùng nước biển và ánh nắng mặt trời, và có chức năng dọn sạch đại dương khỏi rác thải từ các sản phẩm nhựa.
Seawer gồm vòng đê đường kính 550m và sâu 300m với năm lớp lọc tách các phần tử nhựa ra khỏi nước biển rồi chuyển lên trạm xử lý trên nhà nổi, còn nước biển làm sạch được lắng trong bể lớn ở phần đáy của nhà trước khi trả lại về biển.
Dự kiến ngôi nhà lọc nước biển này được bố trí tại trung tâm Thái Bình Dương, nơi tập trung rất nhiều rác, các phế liệu nhựa. Vừa dọn rác vừa dùng năng lượng từ các nguồn tái sinh, Seawer sẽ từ từ bơi từ vùng biển ô nhiễm này đến vùng biển ô nhiễm khác với chức năng làm sạch, trả lại sự trong lành cho môi trường biển.
Một vài thông tin về rác thải trên biển: Rác biển là các vật chất rắn khó phân huỷ do con người sản xuất và thải ra – dù trực tiếp hoặc gián tiếp, vô tình hay cố ý – vào môi trường biển. Như vậy, bất cứ vật dụng nhân tạo nào bị vứt hay vô trình trôi xuống biển đều có thể trở thành rác biển. Những vật liệu tạo thành rác biển thường gặp bao gồm nhựa, thủy tinh, kim loại, giấy, vải, cao su, gỗ,…
Rác biển có thể xuất phát từ biển hoặc từ đất liền: Rác có thể đến từ tàu thuyền, nhà giàn,… và hoạt động của chúng trên biển. Các dụng cụ, vật dụng rơi ra từ tàu đánh bắt cá hay tàu du lịch (dây câu, lưới,…) có thể tạo thành các chướng ngại khiến động vật bị mắc kẹt. Tương tự, các tàu chuyên chở chở cỡ lớn, nếu bị đắm hay gặp tai nạn, sẽ thải biển ra một lượng vật dụng khổng lồ. Ngoài ra, các giàn khoan dầu mỏ và khai thác khí tự nhiên ngoài khơi cũng tạo ra nhiều loại rác nguy hại cho môi trường biển, ví dụ như các dụng cụ bảo hộ lao động, găng tay, thùng chứa dầu,…
Phần lớn rác trên biển là đến từ đất liền. Điển hình cho loại này là rác thải sinh hoạt trôi nổi và vi nhựa siêu nhỏ. Do sự yếu kém trong ý thức của người dân cũng như trong quá trình xử lý rác, nhiều bao bì thực phẩm, chai nước, đồ dùng y tế, vật liệu công nghiệp,… bị vứt bừa bãi, trôi vào sông suối, và dần dần chất đống trong lòng biển. Bên cạnh đó, bão, lốc xoáy, lũ lụt và lở đất,… cũng góp phần mang những vật có kích thước và khối lượng lớn ra biển một cách dễ dàng.
(Nguồn: hiendaihoa.com.vn)