Ngoài việc nâng cấp tuyến đường sắt hiện có từ nay đến năm 2020, thì cần thiết phải xây dựng thêm một tuyến đường sắt cao tốc (200 – 350 km/h) để đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong tương lai. Phương án xây dựng tuyến đường sắt mới có thể bắt đầu từ năm 2020.
Đây là nội dụng được đưa ra bàn luận tại Hội thảo định hướng phát triển Giao thông vận tải (GTVT) đường sắt trên trục Bắc – Nam do Tổng Công ty đường sắt Việt Nam phối hợp với Công ty cổ phần tư vấn đường sắt và xây dựng GTVT tổ chức.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, hiện nay hạ tầng giao thông thiếu, kết nối kém, phân bổ các phương thức vận tải mất cân đối nghiêm trọng… Do vậy, Bộ nhất trí phương án khai thác hiệu quả tuyến đường sắt hiện có và xây dựng tuyến đường sắt mới.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đông cũng nói rõ, cần phải có những nghiên cứu kỹ lưỡng và làm rõ việc đối xử với hệ thống đường sắt hiện có như thế nào, lộ trình ưu tiên trên tuyến. Đối với tuyến đường sắt mới cũng phải nêu rõ được sự cần thiết, quy mô, tính kỹ thuật, công nghệ…
Nâng cấp đường hiện có đạt tốc độ 80 – 120 km/h
Ông Đỗ Văn Hạt, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn đường sắt và xây dựng GTVT đưa ra bốn phương án nâng cấp tuyến đường sắt hiện có gồm: nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt hiện tại sang tuyến đường đơn khổ 1.435mm (phương án 1); nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt hiện tại phù hợp với thực tế (phương án 2); nâng cấp, cải tạo toàn tuyến đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt cấp 1 (phương án 3); nâng cấp, cải tạo toàn tuyến thành đường đôi khổ 1.000mm (phương án 4)
Trong bốn phương án trên, phương án 2 được thống nhất lựa chọn. Bởi, phương án này khả thi nhất do các nội dung cần đầu tư nâng cấp đa số tận dụng được kết quả các dự án đã và đang triển khai nên có vốn đầu tư thấp (khoảng 4.220 triệuUSD) và năng lực có thể đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận chuyển đến năm 2020.
Ngoài nâng cấp tuyến đường sắt hiện có, các chuyên gia nhất trí cần phải xây dựng tuyến đường sắt mới – có thể được triển khai từ năm 2020 – (Ảnh: Lao động)
Ông Nguyễn Đạt Tường – Tổng giám đốc Tổng Công ty đường sắt VN (Bộ GTVT) cho biết: Tuyến đường sắt hiện có sẽ được nâng cấp theo hướng phấn đấu đạt tiêu chuẩn cấp 1 với những đoạn thuận lợi, riêng một số đoạn khó khăn chi phí nâng cấp lớn hiệu quả kinh tế thấp chỉ cần nâng cấp, sửa chữa đạt tiêu chuẩn cấp 2 hoặc cấp 3.
Sau khi cải tạo, dự kiến toàn tuyến sẽ đạt năng lực khai thác trung bình 25 đôi tàu/ngày đêm, tốc độ di chuyển trung bình với tàu chở khách đạt từ 80-100 km/giờ, một số đoạn đạt 120 km/giờ, riêng tàu hàng là 60 km/giờ.
Sau khi hoàn thành nâng cấp (dự kiến năm 2020), toàn tuyến sẽ được khai thác tới năm 2050, sau giai đoạn này tùy theo yêu cầu mới tính toán sử dụng cho phù hợp.
Đồng ý với phương án 2, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Lã Ngọc Khuê cho rằng không thể bỏ tuyến đường sắt hiện có (khổ 1.000mm), tuy nhiên không thể để xộc xệch mà vẫn phải cải tạo nâng cấp và xem như một phương án đảm bảo giao thông về đường sắt để triển khai các dự án giao thông khác.
Đại diện Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam cũng khẳng định, phương án cải tạo nâng cấp toàn tuyến là hợp lý, so với việc đầu tư xây mới hoặc xây dựng đường sắt cao tốc. Nếu làm đường sắt cao tốc buộc phải cải tạo thêm tuyến đường sắt hiện có để vừa chở hàng vừa chở khách địa phương dọc tuyến, chi phí nhân lên nhiều lần.
Xây dựng tuyến đường sắt mới
Ông Nguyễn Đạt Tường cho biết, ngoài việc nâng cấp tuyến đường sắt hiện có, trong chiến lược phát triển đường sắt báo cáo Bộ GTVT, trên trục Bắc – Nam cần thiết phải xây dựng tuyến đường sắt mới.
Trong đó, thống nhất tuyến đường sắt mới là đường đôi khổ 1435 mm điện khí hóa với tốc độ thiết kế 200 km/h nhưng định hướng hạ tầng cho sự phát triển bền vững lâu dài. Trước mắt đầu tư phương tiện, thiết bị khai thác với tốc độ bình quân 175 km/h.
Giai đoạn sau, khi nền công nghiệp trình độ khoa học công nghệ đất nước phát triển đảm bảo tự chủ và nguồn nhân lực đã nắm bắt được kỹ thuật sẽ nâng cấp lên tốc độ thiết kế 350 km/h, khai thác với tốc độ bình quân 300 – 320 km/h.
“Dù tốc độ nào thì cũng chưa đạt được 350 km/h mà sẽ chạy từ dưới 200 – 250 km/h rồi sau đó mới chạy với tốc độ 350 km/h”, ông Tường nói rõ.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, trong phương án xây dựng tuyến đường sắt mới cần nghiên cứu lộ trình thứ tự ưu tiên xây dựng các đoạn tuyến mới. Trong đó, giai đoạn I có thể xây dựng các đoạn Hà Nội – Vinh, TP.HCM – Nha Trang; Giai đọan II tiếp tục xây dựng tiếp đoạn Vinh – Đà Nẵng…
Trước phương án xây dựng thêm tuyến đường sắt cao tốc mới, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho rằng, ở nước ta trong suốt một thời kỳ dài những năm về trước có nhiều công trình hiện đại xây dựng khi đưa vào sử dụng một thời gian đã bộc lộ những phá cách, không khít với quy hoạch nên không có tính bền vững.
Do vậy, khi xây dựng tuyến đường sắt mới phải xác định rõ chức năng nhiệm vụ của đường sắt hiện có sau khi đã được nâng cấp. Trong đó, phải xác định rõ khi tuyến đường sắt mới được xây dựng thì tuyến đường sắt hiện tại phải được tính toán làm sao để sử dụng có hiệu quả.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đạt Tường khẳng định: “Trong chiến lược phát triển đường sắt khẳng định sẽ duy trì hệ thống đường sắt hiện có và không chỉ sử dụng tuyến đường này đến năm 2020. Sau 2020 tuyến đường sắt hiện có vẫn đóng vai trò vận chuyển hàng hóa và hành khách. Trong đó tập trung vận chuyển hàng hóa và hành khách đường ngắn.”
(Nguồn vietnamnet.vn)