Biogas, sáng thôn xóm
18 giờ 30 phút mỗi ngày, người dân phường Thủy Xuân, Tp. Huế lại ra ngõ mở khóa van ống dẫn khí biogas, đánh lửa thắp sáng hệ thống bóng đèn măng-sông treo trên trụ hai bên đường. Các ngóc ngách của những ngả đường, góc phố bừng sáng suốt đêm. Người già lẫn trẻ nhỏ đi lại vô tư mà không lo va quẹt với các phương tiện giao thông.
Ông Đồng Sỹ Toàn, Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân, cho biết cái được nhất là người dân yên tâm và ý thức hơn trong việc gìn giữ an ninh trật tự thôn xóm. Đèn biogas sáng trưng nên những đối tượng lạ mặt e dè mỗi khi ra vào địa phương. Quần chúng phát hiện một số đối tượng có dấu hiệu nghi vấn trộm cắp tài sản trong đêm đã gọi điện báo cho đội trật tự thôn giám sát, phòng ngừa…
Người dân phường Thủy Xuân, Tp. Huế thắp sáng bóng đèn đốt bằng khí biogas hai bên đường.
Thủy Xuân là phường mới được thành lập nên đời sống người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Điện áp tại các trục đường khó triển khai do địa hình đồi núi quanh co. Mặt đường liên thôn lởm chởm đất đá lại tối om trong màn đêm khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn. Tai nạn thường xuyên xảy ra, bọn trộm cắp cũng dễ bề hoạt động. Đặc biệt, người dân trong phường đa phần sinh sống bằng nghề chăn nuôi nên chất thải từ vật nuôi trực tiếp đổ ra các kênh rạch, ao hồ không qua xử lý, ngày ngày gây ô nhiễm nghiêm trọng. Năm 2011, BAJ – Tổ chức phi chính phủ Cầu châu Á Nhật Bản hỗ trợ triển khai mô hình sử dụng khí biogas, giúp người chăn nuôi Thủy Xuân tiết kiệm chi tiêu và bảo vệ môi trường. Thoạt đầu có 9 hộ sau đó tăng thêm 25 hộ, toàn bộ đều được BAJ hỗ trợ 100% chi phí lắp đặt hệ thống biogas. Ông Đồng Sỹ Toàn, Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân nhìn nhận, việc làm này không những cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn giúp người dân tiết kiệm tiền nhờ tận dụng khí thải sinh ra từ hầm biogas để làm nhiên liệu đốt cháy phục vụ nấu ăn, phát điện. Nhưng về đêm, nguồn khí hầm biogas hầu như không sử dụng. Thấy phí, người dân nhóm họp và bắt tay ngay vào việc xây dựng các trụ đèn, lắp đặt bóng đèn đốt khí biogas đấu nối bằng hệ thống ống dẫn từ hầm biogas trong các gia đình. Ông Toàn so sánh: “Từ ống dẫn đến trụ và bóng đèn đốt khí biogas chỉ tốn vài trăm ngàn đồng nhưng nếu xây dựng trụ điện cao áp phải tốn vài trăm triệu đồng. Ngoài ra, địa phương còn thành lập nhóm biogas để sửa chữa và duy tu bảo dưỡng hệ thống chiếu sáng bằng bóng đèn đốt khí biogas. Nhóm này thành lập trên cơ sở 25 hộ dân có hầm biogas trong phường. Họ tự nguyện đóng góp 5.000 đồng/hộ/ngày để xây dựng một quỹ chung. Tiền quỹ sử dụng vào việc bảo trì, sửa chữa hệ thống biogas khi hỏng hóc cũng như giúp đỡ hộ gia đình nào khó khăn trong việc tăng gia sản xuất hoặc lo hiếu hỉ, hữu sự trong xóm làng… Chiếu sáng công cộng là một nhu cầu bức thiết, nhất là ở các tuyến đường kiệt trên địa bàn các phường vùng ven như Thủy Xuân. Trong khi, kinh phí đầu tư Nhà nước hạn hẹp thì mô hình chiếu sáng công cộng bằng khí biogas là thiết thực” – ông Toàn khẳng định.
Mô hình nhà tránh bão lũ
Làm gì để người miền Trung an sinh trong mùa mưa lũ? Đó là lý do chính mà ba học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn A Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) gồm Trần Thị Tố Như, Võ Duy Khánh và Lê Thanh Thiên táo bạo đề xuất ý tưởng qua đề tài “Ngôi nhà sống chung với lũ lụt”. Vật liệu xây dựng chủ yếu bằng tre gỗ có trong tự nhiên, thân thiện môi trường, ước tính chi phí thực hiện khoảng 50 triệu đồng/nhà. Phần cố định ngôi nhà gồm 8 trụ sắt trượt chống rỉ, mái hiên trước và mái hiên sau làm bằng gỗ hoặc mái tôn. Phần nổi gồm bên dưới là 40 thùng phi, và phần nhà bên trên bằng gỗ nhẹ. Học sinh Trần Thị Tố Như chia sẻ, ngôi nhà xây dựng dựa trên nguyên lý nước lũ dâng đến đâu nhà nổi đến đấy nhờ lực đẩy các thùng phi rỗng bị kín và hệ thống trượt với sức đẩy lên đến 4 tấn. Bên cạnh việc tránh lũ, ngôi nhà còn có khả năng chống bão bằng việc cân bằng sức gió hút ra hai bên với dây cáp treo về 8 múi ngôi nhà. Thầy Lê Bá Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng ý tưởng của các em có ý nghĩa xã hội lớn. Ngôi nhà có khả năng ứng dụng rất cao trong việc hạn chế thấp nhất thiệt hại do lũ lụt gây ra. Hiện mô hình thiết kế “Ngôi nhà sống chung với lũ lụt” đoạt giải nhất Hội thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Trị.
Ba học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm với mô hình nhà sống chung với lũ lụt.
Ngược về TP Huế chúng tôi hay tin, với đề tài quả cầu chữa cháy, ba em Hoàng Trọng Thanh Tùng, Đỗ Kỳ Minh Triết, Trần Ngọc Nhật Huyền đều là học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Quốc Học Huế vừa nhận giải nhất cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia cấp THPT. Ba em còn được nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT, Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam. Quả cầu chữa cháy do các em sáng chế có ba phần, phần lõi chứa băng khô bằng bột, phần dung dịch chất tạo bọt và phần vỏ kim loại có van. Nguyên lý hoạt động quả cầu được kích hoạt bằng các xúc tác quá trình thăng hoa của băng khô tạo một lượng khí lớn trong bình kín, hình thành một áp suất lớn, áp suất được tích tụ ở một giá trị cực đại thì các van được kích hoạt xoay tròn phun khí CO2, bọt dập tắt đám cháy… Đặc biệt, giá thành quả cầu chữa cháy này chưa tới 300 ngàn đồng bằng một nửa giá thành bình chữa cháy.
(Nguồn SGGP)